Trong ngày 6/3, Công an TP.HCM, các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra, khám xét hàng loạt chi nhánh F88 thuộc Công ty CP Kinh doanh F88. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận Gò Vấp khám xét trụ sở của Văn phòng đại diện F88 nằm trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp trong buổi sáng cùng ngày.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, CQĐT sẽ làm rõ hoạt động tài chính của công ty này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là việc huy động vốn và cho vay, thu hồi nợ có tuân thủ quy định của pháp luật hay không.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chứ không đăng ký hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, nên không căn cứ vào Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với các tổ chức hoạt động tài chính nhưng không đăng ký hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, việc hoạt động của họ được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự, về hợp đồng vay tài sản.
Các giao dịch dân sự vay tài sản là một trong các loại giao dịch dân sự thông dụng, phổ biến trong đời sống xã hội. Hoạt động cho vay tài sản có thể trở thành "nghề nghiệp" nếu như các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hoạt động tài chính. Và F88 là một trong những doanh nghiệp như vậy.
Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh hoạt động cho vay cầm đồ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của Bộ luật dân sự mà không đăng ký hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cho vay tài sản như quy định về lãi suất, về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Rủi ro của người đi vay
Thời gian qua, không ít các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thông qua các hoạt động hụi, họ hoặc các công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Hoạt động cho vay lãi suất cao, trái luật và kéo theo đó thường là hình thức đòi nợ bằng cách đe dọa nạn nhân được gọi là hoạt động "tín dụng đen".
Đây là hoạt động cho vay trái pháp luật và đòi nợ trái pháp luật gây nhức nhối trong dư luận. Người đi vay có thể gặp rủi ro, nguy hiểm, bị bóc lột tàn nhẫn. Nhưng nhiều người vì nhu cầu cấp thiết, nhưng lại không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên vẫn chấp nhận vay lãi cao để có tiền giải quyết công việc cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra thực tế, những trường hợp có nhu cầu vay tiền ở các tổ chức tín dụng nhưng không đủ điều kiện để cho vay được gọi là nhóm "dưới chuẩn" ngân hàng. Nhóm này rất lớn trong xã hội, đây là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động cho vay dân sự.
Theo quan điểm của luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), nhu cầu vay tiền của người dân là nhu cầu chính đáng. Đối với những người đáp ứng đủ điều kiện tương đối chặt chẽ của các tổ chức tín dụng, họ có thể được vay tiền từ ngân hàng. Nhưng những người không đủ điều kiện, hoặc cần một nguồn tài chính nhanh chóng, kịp thời, họ không còn sự lựa chọn nào khác là tìm đến những nơi cho vay linh hoạt, thuận tiện kiểu như F88.
Bởi dù sao nó vẫn ít rủi ro hơn những nơi cho vay kiểu "xã hội đen". Nói thế không có nghĩa F88 hoạt động hoàn toàn đúng pháp luật. Việc chấn chỉnh mô hình cho vay kiểu F88 là cần thiết.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, vấn đề đặt ra là, người dân sẽ phải đến đâu nếu họ không được ngân hàng đáp ứng? Lúc đó sẽ lại phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực khác khi một người thực sự cần hỗ trợ tài chính mà không thể bấu víu được ở đâu.
Cho nên giải pháp để giải quyết vấn đề này có thể thực hiện như sau: Hoặc là Cơ quan có thẩm quyền cho phép các tổ chức tín dụng hoạt động như mô hình kiểu F88, nghĩa là tối giản hóa thủ tục, giải ngân nhanh chóng một lượng tiền nhỏ đủ đáp ứng nhu cầu cấp bách của người vay;
Hoặc là Nhà nước có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng để mô hình cho vay dưới chuẩn ngân hàng căn cứ vào đó tiến hành các hoạt động hỗ trợ tài chính cho người dân mà không lo có ngày bị “sờ gáy”.