Facebook sập vào tối 5/3. Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội này bị sự cố. Tuy nhiên, có thay đổi lớn khi người dùng ứng phó với tình trạng tương tự.
Vài năm trước đây, mỗi khi Facebook sập, người dùng loay hoay không biết liên lạc với nhau bằng cách nào thì giờ đây đã khác.
Chẳng hạn, ngay công việc của tôi, trước đây đa phần được triển khai từ các nhóm trên chính mạng xã hội này. Vì thế, khi có sự cố, rất khó để trao đổi với những người khác trong cơ quan. Là người dùng các ứng dụng công nghệ từ sớm, tôi thử dùng các nền tảng khác để liên lạc nhưng không dễ dàng gì, vì rất ít người dùng.
Thế nhưng, câu chuyện tối ngày 5/3 đã hoàn toàn khác. Tôi nhận được tin báo Facebook sập từ phóng viên qua Viber và thông báo của bạn bè qua Telegram, đặc biệt là trong các group Telegram sự cố này được bàn luận rất sôi nổi. Ngay sau đó là nhiều cuộc điện thoại trao đổi xử lý tin nhanh về sự cố để truyền tải đến bạn đọc.
Trong vài năm trở lại đây, điển hình là khi công nghệ chuỗi khối (blockchain) phát triển, người dùng Việt Nam đã chuyển qua nền tảng Telegram để liên lạc và làm việc rất nhiều. Đối với họ, Facebook chỉ là nơi để giải trí và cập nhật tin tức, chứ không còn là nơi để triển khai công việc. Bên cạnh đó, Telegram cũng được nhiều người lựa chọn vì sự ổn định cũng như khả năng bảo mật của nó. Hay ở một số cơ quan, đặc biệt là cơ quan Nhà nước, Viber cũng được chọn là nền tảng để liên lạc, chứ không phải là Facebook.
Bên cạnh đó, một nền tảng khác trong nước cũng được người dân tại Việt Nam đang dùng rất nhiều hiện nay, đó chính là Zalo. Từ bà nội trợ, đến ông tổ trưởng dân phố, trong nhà trường hay đến những người làm kinh doanh online hoặc nhiều người trong lĩnh vực truyền thông… hiện cũng đã chọn Zalo là phương thức liên lạc thường xuyên, thậm chí nhiều người còn không quan tâm đến Facebook đang có những gì.
Facebook vẫn quan trọng, khi nhiều người vẫn đang dùng nó để liên lạc hay triển khai công việc hàng ngày. Bằng chứng là họ vẫn lo lắng khi nền tảng này bị sập trong một khoảng thời gian tối 5/3. Tuy nhiên, khác với trước, nó không còn là nền tảng để mọi người phải phụ thuộc vào nữa. Giờ đây, người dùng đã chọn nhiều phương tiện khác để thay thế.
Đỡ mất thời gian và sống thật hơn Giả sử không có Facebook, chúng ta vẫn sống khỏe, sống vui, vẫn làm việc tích cực và hiệu quả. Thế giới vẫn hòa bình, tồn tại và phát triển. Nên nó có bị ngưng một thời gian cũng chẳng sao. Mà giả sử là mất hẳn, mất cả làng, biết đâu lại hay và may. Đỡ mất thời gian của nhiều việc khác. Đỡ hỏng mắt vì Facebook và con người sẽ sống thật hơn, bớt ảo hơn, mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn và dậy cũng sẽ sớm hơn. Trần Trung Hiếu (giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) |