Những quyết định quan trọng của Facebook gần đây cho thấy công ty đang hoàn toàn bị tác động bởi yếu tố chính trị, bỏ qua các chính sách tiêu chuẩn cộng đồng.
Max Wang là Cử nhân ngành Khoa học máy tính và Toán học của trường Đại học Harvard. Năm 2011, anh từng là thực tập sinh tại Facebook trong 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, Wang quay lại Facebook làm việc với vị trí kỹ sư máy tính, theo BuzzFeedNews.
Ngày 1/7, Wang đăng tải một video lên YouTube, xác nhận anh đã ngừng làm việc cho Facebook sau 7 năm gắn bó. “Công ty này đang làm tổn thương rất nhiều người”, Wang viết trong phần chú thích video.
Wang là một trong những cựu nhân viên hoặc nhân viên dám công khai chỉ trích các chính sách và phong cách lãnh đạo của Facebook, mở đầu cho phong trào phản kháng từ chính lực lượng nhân sự bên trong của tập đoàn công nghệ này.
Tự miêu tả bản thân là người đã từng trải qua rất nhiều sóng gió cùng Facebook, nhưng quyết định nghỉ việc xuất phát từ một thứ mà Wang không thể một mình thay đổi: “Facebook không dành đủ sự quan tâm đến yếu tố con người của hàng tỷ người dùng. Chúng tôi đang thất bại, đáng buồn hơn khi thất bại xuất phát từ các chính sách của cả công ty”.
Tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần sử dụng Facebook đăng tải những nội dung bị đánh giá là “thù địch và gây kích động bạo lực”. Trong giai đoạn này, Facebook tỏ ra “thờ ơ” và xác nhận “tôn trọng nội dung chính trị” từ những bài đăng của ông Trump. Đỉnh điểm chia rẽ nội bộ Facebook bắt đầu từ đây.
“Tôi đã dành thời gian suy nghĩ về vấn đề, nhưng không thể phủ nhận cảm giác lãnh đạo Facebook đang phản bội lòng tin mà tôi đã đặt cho họ”, kỹ sư Dan Abramov viết trên trang Workplace vào ngày 26/6.
Những lời chỉ trích Facebook thường xuất phát từ những người bên ngoài công ty, từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tới bê bối can thiệp bầu cử của Nga hay khủng hoảng thông tin người dùng Cambridge Analytica. Năm 2020 ghi nhận lần đầu tiên nhân viên của Facebook lên tiếng bất bình một cách công khai và rộng khắp như vậy.
Thất vọng và tức giận, các nhân viên đang thể hiện thái độ thách thức với Mark Zuckerberg và các nhà lãnh đạo, đặt ra câu hỏi liệu công việc của họ có làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tình trạng nội bộ hỗn loạn đến mức CEO của Facebook gần đây đã đe dọa sa thải những nhân viên, những người “chỉ trích công việc” của các đồng nghiệp khác.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, những cáo buộc về Facebook tác động kết quả của cuộc bầu cử một lần nữa sẽ được mổ xẻ và phân tích gắt gao hơn. Lần này, Facebook còn phải xử lý những bất đồng nội bộ xung quanh việc công ty có đang vô tình gây ảnh hưởng đến chính trị, suy yếu nền dân chủ của nước Mỹ hay không.
Yael Eisenstal, cựu trưởng nhóm phụ trách về công bằng quảng cáo tranh cử tại Facebook, cho biết bối cảnh hiện tại đang rất nguy hiểm cho cuộc bầu cử sắp tới.
“Theo kinh nghiệm của tôi, một lượng người dùng Facebook sẽ không tin vào kết quả của cuộc bầu cử trong tháng 11. Đây là hậu quả của quá trình họ bị spam những thông tin không đúng sự thật trên nền tảng này”, Yael nói với BuzzFeed News.
Yael cho biết một đội nhóm khác phụ trách về chính sách Facebook ở Washington, đã tác động quá mức đến quyết định của nhóm cô. Kết quả là những bài đăng của ông Trump vẫn tồn tại, điều này làm phật lòng đội ngũ của Yael, những người luôn muốn bảo vệ sự công bằng trong quá trình tranh cử.
“Nhóm của tôi bị tác động bởi một nhóm người ở bộ phận chính sách Facebook. Tôi không buồn, nhưng đồng nghiệp, những cộng đồng dân quyền, những nhà quảng cáo sẽ cảm thấy khó chịu khi rõ ràng là có một ai đó đang cố tình vượt qua những giới hạn công bằng trong quảng cáo tranh cử”, Yael nói thêm.
Trước những mâu thuẫn nội bộ xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, đại diện Facebook cho biết công ty có một quy trình nghiêm ngặt và minh bạch với toàn bộ nhân viên về cách ban lãnh đạo ra quyết định.
“Một chính sách chung khó có thể giải quyết cho tất cả những trường hợp. Vì vậy, lãnh đạo Facebook luôn cố gắng đưa ra một quyết định tốt nhất, phù hợp nhất với chính sách đã có, cộng với sự tư vấn của các chuyên gia bên ngoài và phản hồi từ nhân viên”, đại diện Facebook thông báo.
Đỉnh điểm của sự bất mãn diễn ra vào ngày 1/6, một cuộc biểu tình ảo được diễn ra khi hàng trăm nhân viên Facebook thay đổi ảnh đại diện thành hình một nắm đấm màu đen trên nền trắng để phản đối chính sách của công ty. Đến lúc này, một khảo sát nội bộ cho biết 55% nhân viên cho biết họ không còn cảm thấy “Facebook đang giúp thế giới tốt hơn”, 56% không tự tin khi nói “Facebook đang có những định hướng phát triển đúng”.
“Tôi đang làm việc tại Facebook và cảm thấy không tự hào gì về những quyết định của công ty trong thời gian gần đây. Đây là tiếng lòng của nhiều đồng nghiệp khác”, Jason Toff, giám đốc phát triển sản phẩm của Facebook viết trên Twitter cá nhân ngày 1/6.
Khi nội dung của ông Trump bị Twitter gắn mác “thù địch và kích động bạo lực”, người dùng Internet quay sang quan sát Facebook.
“Khác với Twitter, chúng tôi không có chính sách đưa ra cảnh báo trước các bài đăng vì nếu đó là một nội dung kích động bạo lực, Facebook đã gỡ bỏ nó ngay. Các công ty tư nhân, đặc biệt là nền tảng mạng xã hội không nên trở thành người đánh giá nội dung của người dùng”, Mark Zuckerberg viết trên trang Facebook cá nhân ngày 30/5.
Gần một tháng sau đó, Mark Zuckerberg viết bài đăng khác vào ngày 26/6, khẳng định tất cả bài đăng kích động bạo lực sẽ bị gỡ khỏi nền tảng Facebook ngay lập tức.
Trước đó, Facebook đã gỡ bỏ một loạt bài đăng quảng cáo của ông Trump vào ngày 18/6 vì sử dụng hình ảnh tam giác màu đỏ và đen từ thời Đức quốc xã.
“Đó là một quyết định không quá đặc biệt. Facebook tôn trọng sự tự do của người dùng, nhưng nếu vượt quá giới hạn của các tiêu chuẩn cộng đồng, chúng tôi sẽ gỡ bỏ nội dung đó”, Mark Zuckerberg cho biết.
Khác với phát biểu “một quyết định không quá đặc biệt”, nhiều nhân viên Facebook nói với BuzzFeed News họ đã có một cuộc họp rất căng thẳng để quyết định có được gỡ bỏ nội dung của ông Trump hay không.
“Tôi đã gửi thông báo bài đăng của ông Trump vi phạm yếu tố bạo lực và gây thù địch”, Natalie Troxel, một kỹ sư viết trên trang thông tin nội bộ của Facebook. Ít nhất có 9 người đã gửi đi cảnh báo như vậy nhưng đều không được phản hồi như mong đợi.
Một yếu tố cần lưu ý là quyết định gỡ bỏ bài đăng của ông Trump được thực hiện 12h sau khi trang tin Washington Post viết bài chỉ trích “sự thờ ơ” của Facebook.
Lúc này, nhiều nhân viên của Facebook đặt ra câu hỏi về sự quan trọng của các tiêu chuẩn cộng đồng Facebook, khi dường như những quyết định của ban lãnh đạo đang hoàn toàn bị tác động bởi các yếu tố chính trị và áp lực từ dư luận.
Trong video vạch trần Facebook, Wang cho rằng Mark Zuckerberg chỉ đang cố thu hút sự chú ý của dư luận hơn là tạo ra một sự thay đổi.
“Tại sao Mark Zuckerberg chỉ nói về việc bài đăng của ông Trump phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng, mà không nói về việc Facebook sẽ cập nhật những tiêu chuẩn mới để hạn chế những trường hợp kích động bạo lực tương tự”, Wang nói trong video.
Câu hỏi của Wang giống như quan điểm của tổ chức nhân quyền Color of Change từng đề cập trong năm 2015: “Facebook luôn tỏ ra nền tảng này không thiên vị ai, nhưng tại sao họ không thay đổi hoặc cập nhật những tiêu chuẩn cộng đồng để hạn chế sự tổn thương có thể xảy ra”.
Ngày 19/6, Mark mở một cuộc thảo luận về định nghĩa của “sự đa dạng” khi bị đặt câu hỏi về Joel Kaplan, phó giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook. Kaplan từng nhận vô vàn chỉ trích về việc ủng hộ thẩm phán Brett Kavanaugh, người bị cáo buộc đã tấn công tình dục nhiều người trước đó.
Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Mark cho rằng sự có mặt của ông Kaplan và các thành viên của đảng Cộng hòa giúp “tạo nên sự đa dạng quan điểm cho Facebook”.
“Mark sử dụng khái niệm đa dạng quan điểm để che đậy cho vấn đề mà họ không thể giải quyết. Sẽ ra sao nếu bạn tập hợp toàn những người bảo thủ hoặc theo chủ nghĩa da trắng thì tác động của sự đa dạng quan điểm này còn nguy hiểm hơn rất nhiều”, Brandi Collins-Dexte, giám đốc cấp cao của tổ chức Color of Change nói với BuzzFeed News.
“Facebook đang bị mắc kẹt bởi lý tưởng về sự tự do ngôn luận, nhưng lại thể hiện sự cứng nhắc với một số ý thức hệ”, Wang trình bày quan điểm về vấn đề lớn nhất của Facebook.
Sau video chia sẻ của Wang, nhiều nhân viên cấp cao của Facebook thể hiện sự đồng tình. Trong đó có ông Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận trí tuệ nhân tạo của Facebook nói lời cảm ơn với Wang, đồng thời cho biết ông lo lắng về việc các chính sách của Facebook không hướng đến việc bảo vệ nền dân chủ của Mỹ.
“Facebook có thể làm sụp đổ nền dân chủ của Mỹ nếu không chịu thay đổi. Tôi sẽ đề xuất những chính sách nội dung tốt hơn để bảo vệ Facebook, cũng như là nền dân chủ của chúng ta”, LeCun bình luận.
Abramov, một kỹ sư của Facebook cho rằng nền tảng mạng xã hội này chưa bao giờ đóng vai trò trung lập trong các vấn đề chính trị.
“Facebook đã gỡ bỏ ảnh khỏa thân, xóa đi những bài đăng có nội dung thù địch hoặc kêu gọi mọi người tham gia bầu cử. Tuy nhiên, tôi không thể đồng ý với việc đây là một nền tảng trung lập về vấn đề chính trị, chúng tôi không có gì là trung lập cả”, Abramov nói.
Mark Zuckerberg có vẻ không đồng ý với quan điểm của các nhân viên và chỉ trích từ dư luận. Ngày 5/6, Mark tiếp tục tái định nghĩa “về sự tự do thể hiện” và đưa ra hàng loạt lời hứa rằng Facebook sẽ thúc đẩy sự công bằng trong quá trình bầu cử sắp tới.
“Bài đăng của Mark thật ấn tượng vì nó thể hiện Facebook đang thay đổi. Nó rất tốt về mặt chính trị để giải tỏa áp lực của dư luận, nhưng thật tệ về mặt lãnh đạo nhân sự”, một nhân viên của Facebook bình luận.
(Theo Zing)
Làm thế nào để tránh bị lừa đảo trên Facebook và mạng xã hội?
Facebook và các mạng xã hội đã trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu trục lợi trên không gian mạng, vậy làm cách nào để phòng tránh?