Trong nhiều năm qua, cộng đồng người tiêu dùng vẫn luôn tranh cãi về vấn đề Facebook lợi dụng điện thoại để “nghe lén” những gì chúng ta nói, qua đó hiển thị các quảng cáo mà chúng ta có thể quan tâm trên news feed. Ở thời điểm hiện tại thì điều đó khá là có lý. Tuy nhiên, cuối tuần vừa qua, Facebook vẫn cương quyết phủ nhận kết luận này và cho rằng họ chưa bao giờ làm thế cả.
Trên Twitter, PJ Vogt - người dẫn chương trình Reply All cho biết: "Reply All đã sẵn sàng trực điện thoại cho ngày hôm nay. Hãy gọi cho chúng tôi nếu bạn nghĩ Facebook đang lợi dụng mic smartphone của bạn để thu thập thông tin quảng cáo".
Ngay lập tức, Rob Goldman - phó Chủ tịch mảng quảng cáo của Facebook đã đáp trả như sau:
Cụ thể hơn, PJ Vogt (cũng như rất nhiều người dùng) cho rằng Facebook sử dụng mic của smartphone mà chúng ta đang sử dụng để nghe lén các cuộc trò chuyện của chúng ta. Sau đó, họ sẽ hiển thị những quảng cáo cho các sản phẩm mà bạn chưa từng có ý định tìm kiếm (mà chỉ mới quan tâm hoặc vô tình nhắc đến khi trò chuyện với người khác mà thôi).
Đừng lấy làm ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bạn đang bàn tán với bạn bè của mình về chuyện muốn mua một chiếc laptop mới, và các trang quảng cáo về laptop lập tức xuất hiện tràn lan trên bảng tin của bạn chỉ vài giờ sau đó.
Dưới đây là đoạn video thử nghiệm vấn đề này do một YouTuber đã thực hiện từ năm ngoái.
Nếu như những gì Goldman nói là đúng thì câu hỏi đặt ra là vì sao những quảng cáo “rất liên quan tới những gì chúng ta mới nhắc đến” lại xuất hiện đúng lúc như vậy nếu chúng ta chưa từng search thử trên mạng, trong các trang Facebook và cũng không nhắc đến khi trò chuyện trong Messenger?
Một giả thuyết cho rằng có thể một số người dùng đã gặp phải hiện tượng Baader-Meinhof, một loại ảo giác tần suất hay ảo giác ám ảnh. Nó là một phần của xu hướng nhận thức (xu hướng suy nghĩ theo một cách nhất định khiến con người bị hình thành suy nghĩ lệch lạc). Xu hướng này sẽ khiến những điều mà chúng ta nghe thấy gần đây sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong mọi ngõ ngách cuộc sống của chúng ta.
Sai lầm ở đây chính là chúng ta tưởng rằng những gì chúng ta vừa nhắc đến đột nhiên xuất hiện thường xuyên hơn trong khi sự thật là bản thân chúng ta chủ động chú ý đến những điều đó nhiều hơn mà thôi.
David Hand, một giáo tư Toán học tại Imperial College London cho biết: “Nếu bạn nhắc đến một thứ gì đó khó có khả năng xảy ra đến một mức độ nhất định đủ để nó xảy ra thì chắc chắn nó sẽ xảy ra”.
Điều đó có thể đúng trong trường hợp này và những gì Goldman nói trên Twitter cũng không phải là không có lý. Suy cho cùng, nếu Facebook thực sự nghe lén điện thoại của người dùng nhưng phủ nhận điều đó, họ có thể sẽ phải tiêu tốn không ít tiền cho những vụ kiện rắc rối cũng như phải đối mặt với thảm họa PR trong tương lai nếu mọi chuyện vỡ lở.
Tuy nhiên, cũng có khả năng chúng ta đang bị mạng xã hội lớn nhất thế giới lừa gạt. Hiện tượng này có thể được dễ dàng giải thích bằng cách kiểm tra gói tin để xác định xem Facebook có đang truyền tín hiệu từ điện thoại của bạn về máy chủ của công ty hay không. Bên cạnh đó, điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn sử dụng các cookie trình duyệt của mình để tìm kiếm.
Theo GenK