Bằng thuật toán khác nhau, Facebook tạo ra sân chơi để người dùng thoải mái sử dụng nội dung bản quyền của báo chí mà không phải trả phí trong khi các cơ quan báo chí phải chi rất nhiều tiền để sản xuất ra nội dung này.
Thiên đường nội dung “chùa”
Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nhưng cũng không ngoa khi cho rằng đây là nơi lan truyền nội dung “chùa” lớn nhất thế giới. Thật vậy, chính sách tự do của Facebook và đẩy trách nhiệm cho người dùng khiến mạng xã hội này trở thành nơi chia sẻ thông tin một cách thoải mái.
Chưa bàn đến các loại tin tức sai lệch mà được gọi là fake news, Facebook tạo ra sân chơi để người dùng chia sẻ mọi nội dung trong đó có nội dung báo chí bằng các chất liệu câu chữ, hình ảnh, video.
Điều đáng nói là Facebook không hề ngăn chặn sự lan truyền tin tức có bản quyền này, mà thay vào đó lại giúp các hội nhóm, fanpage như vậy sử dụng bản quyền báo chí.
Nghiên cứu chỉ ra người đọc đang đọc tin trên mạng xã hội nhiều hơn, nhưng Facebook không trả tiền cho báo chí.
Hồi tháng 2, câu chuyện báo chí Australia ‘tức nước vỡ bờ’ với Facebook chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, bởi trước đó các cơ quan báo chí nơi đây đã phải chật vật sống dựa trên sự điều tiết nội dung của Facebook.
Trong cuộc chiến đó, Facebook khóa toàn bộ nội dung của các cơ quan báo chí Australia, tự tuyên bố rằng chỉ ít hơn 4% người dùng nước này đọc tin. Facebook tuyên bố tạo ra 5,1 tỷ liên kết ngoài đến các tờ báo Australia trong năm 2020, giúp tạo ra doanh thu 313 triệu USD cho các cơ quan báo chí.
Đó chỉ là những tuyên bố một phía của Facebook, nhưng trong cùng năm đó, số liệu của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia chỉ ra rằng Facebook chỉ nộp khoản thuế 20 triệu USD trên doanh thu 712,7 triệu USD. Không cần nói cũng thấy con số nào lớn hơn ở đây.
Tại Mỹ, Facebook vội vàng phải đưa vào Instant Articles từ năm 2015 và Facebook News từ năm 2019. Đây là những tính năng để tạo ra chia sẻ doanh thu với các nhà xuất bản nội dung nói chung, chứ không riêng gì cơ quan báo chí.
Instant Artcles ra đời để Facebook chia sẻ doanh thu với báo chí, nhưng mau chóng trở thành nguồn phát tán tin giả, tin sốc hoặc ăn cắp bản quyền nội dung báo chí chính thống.
Vì thế, Instant Articles kể từ khi ra đời đến nay đã trở thành thiên đường kiếm tiền cho các website ăn cắp nội dung bản quyền của báo chí chính thống. Và Facebook hợp pháp hóa việc này bằng một cơ chế kiểm duyệt lỏng lẻo, gián tiếp tạo ra vô số các website tin giả, tin sốc, tin lấy lại khiến các cơ quan báo chí chảy máu nội dung nghiêm trọng.
Vì thế Facebook News đã ra đời để chắt lọc thông tin một cách chính thống hơn. Nhưng một lần nữa Facebook lại bị đặt dấu hỏi về cơ chế chia sẻ doanh thu, kiểm soát việc xác thực nội dung và đối tác như thế nào.
Xa hơn, người ta lo ngại rằng Facebook News sẽ lại chỉ là nơi để giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trên nền tảng mạng xã hội này, qua đó tối đa hóa doanh thu mà Facebook kiếm được mà thôi. Đó là chưa kể Facebook vẫn đang rất chậm chạp triển khai tính năng này ra bên ngoài nước Mỹ mà mới chỉ có Anh là nước đầu tiên có mục Facebook News.
Trong cuộc chiến với nước Úc hồi tháng 2 năm nay, Facebook đã tuyên bố cùng Google đầu tư 1 tỷ USD vào ngành tin tức nước này trong ba năm tiếp theo. Đó chỉ là một hạt cát nhỏ trong khoản doanh thu khổng lồ 268 tỷ USD mà Facebook và Alphabet (công ty mẹ Google) tạo ra chỉ tính riêng trong năm 2020.
Lá chắn bảo vệ Facebook
Facebook cũng như các công ty truyền thông mạng xã hội khác, không lo sợ vấn đề vi phạm bản quyền nội dung là nhờ một lá chắn đã có từ lâu. Điều 230 của đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) ban hành năm 1996 giúp Facebook tránh phải chịu trách nhiệm về những thứ do người dùng đăng lên.
Và vì thế, Facebook mặc sức để người dùng thoải mái ăn cắp nội dung, chất xám của báo chí. Thay vì ngăn chặn, Facebook có một cơ chế giúp tăng tương tác (engagement) và tiếp cận (reach) để những nội dung như vậy lan truyền rộng hơn, trong khi báo chí vất vả xuất bản nội dung lại không đến được người đọc thực sự.
Nói theo kiểu thuật ngữ công nghệ, Facebook đang hostlink, giam cầm người dùng để giữ lại miếng bánh béo bở nhất mà không gửi lại traffic, phần đáng được trả cho các tờ báo. Đó là chưa kể thông tin cá nhân của người dùng được Facebook giữ lại và thoải mái sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Đây là điều không thể chấp nhận được khiến News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch đã phải tự mình đàm phán với Google và Facebook để đưa một thỏa thuận có lợi nhất cho đế chế của vị tỷ phú 90 tuổi này.
Tuy nhiên không phải cơ quan báo chí nào cũng có đủ vị thế để gây sức ép lên Facebook như News Corp. Như bài học của nước Úc, đã đến lúc cơ quan báo chí trên toàn thế giới cùng đồng lòng bắt tay chống lại kẻ khổng lồ xấu chơi như Facebook và Google.
Phương Nguyễn
BBC xin lỗi vì phát sóng cận cảnh Eriksen ngã gục trên sân
Nhiều đài truyền hình bị khán giả chỉ trích vì tập trung phát sóng cảnh Eriksen được hô hấp nhân tạo và hình ảnh hoảng loạn của vợ nam cầu thủ.