Theo Wired, không chỉ riêng Tổng thống Donald Trump và giới chức thân cận, chính các nền tảng Internet, đặc biệt là Facebook, Instagram, YouTube và Twitter, sẽ phải chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn xảy ra tại thủ đô Washington hôm 6/1.
Chiếc loa phóng đại sự thù ghét
Với mục tiêu đặt lợi nhuận lên hàng đầu, những nền tảng này đã tạo ra các thuật toán khuếch đại ngôn từ thù ghét, thông tin sai lệch cũng như thuyết âm mưu. Những nội dung độc hại này không chỉ thu hút, mà còn đóng vai trò như chất bôi trơn giúp các nền tảng mạng xã hội thu về lợi nhuận. Bên cạnh đó, các chính sách dịch vụ của những nền tảng này phần nào giúp hành vi cực đoan có cơ hội truyền bá rộng rãi hơn.
Quay trở lại khoảng thời gian năm 2015, khi ông Trump công bố chiến dịch tranh cử tổng thống , các nền tảng Internet và quyền chính trị ngày càng lộ rõ mối quan hệ cộng sinh. Chính cách thức kinh doanh của những nền tảng này đã tạo ra sự bùng nổ của phong trào da trắng thượng đẳng, phủ nhận sự tồn tại của đại dịch Covid-19 và bài trừ vaccine chữa trị…
Theo Wired, ngành công nghiệp Internet đang phát triển dựa vào các nền tảng xã hội cổ súy cho tư tưởng cực đoan.
Sự thù ghét trên các nền tảng truyền thông xã hội đã châm ngòi cho nhiều cuộc bạo loạn. Ảnh: Reuters. |
Các nền tảng này đang núp sau Tu chính án thứ nhất, biện minh cho chính sách của công ty và tuyên bố không muốn trở thành “người phán xét sự thật”. Tuy nhiên, theo bà Renee DiResta, đại diện Stanford Internet Observatory, không một nhà phê bình nào muốn các nền tảng xã hội hoạt động như một nhà kiểm duyệt. Ngoài ra, việc khuếch đại nội dung độc hại là lựa chọn kinh doanh của các công ty hoạt động trên lĩnh vực Internet.
Trước đó, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia đã phủ nhận sự gia tăng của làn sóng chủ nghĩa cực đoan trực tuyến. Chính sự thiếu sát sao đã khiến lượng người xem và cường độ của chủ nghĩa cực đoan tăng lên gấp bội.
“Tự do ngôn luận không giống quyền tiếp cận miễn phí”, DiResta cho biết.
Với vai trò chủ đạo của nền tảng Internet, chủ nghĩa cực đoan đang được nuôi dưỡng và len lỏi vào thế giới thực. Sau vụ cảnh sát Mỹ giết hại người đàn ông da màu George Floyd, chủ nghĩa cực đoan đã gây ra nhiều cuộc bạo loạn ở Minneapolis, Louisville, Portland hay Kenosha.
Các nền tảng Internet như Facebook chính là nguyên nhân khiến tình trạng này leo thang. Cánh báo chí Mỹ cho biết một số cảnh sát thậm chí có mặt trong các nhóm Facebook ủng hộ tư tưởng cực đoan cánh hữu. Điều này phần nào giải thích lý do vì sao sở cảnh sát tại một vài thành phố không coi trọng mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Thậm chí một số cảnh sát còn chụp ảnh selfie với người biểu tình.
Cuộc biểu tình hôm 6/1 được phát trực tiếp liên tục trên nhiều nền tảng Internet lớn. Cả Twitter và Facebook đều cho phép Tổng thống Donald Trump đăng các video phản cảm về cuộc bạo động của đám đông và chỉ gỡ xuống sau khi nhận được nhiều phản hồi tiêu cực.
Mạng xã hội Twitter ngay sau đó đình chỉ tài khoản của ông Trump trong 12 giờ. Ngoài ra, Facebook cũng đã vô hiệu hóa vô thời hạn tài sản của vị lãnh đạo này.
Nước Mỹ suy yếu vì nền tảng Internet?
Quy mô của những nền tảng truyền thông xã hội có thể làm suy yếu nền dân chủ, sức khỏe cộng đồng hay thậm chí an toàn cộng đồng của một quốc gia lớn như Mỹ. Theo nghiên cứu của Facebook, người dùng dành trung bình 64% thời gian vào một hội nhóm mạng xã hội cực đoan. Điều đáng nói, người dùng đang làm theo những khuyến nghị của nền tảng.
Sau sự kiện bạo loạn ở thủ đô Washington, chính phủ Mỹ và giới hành pháp sẽ phải tính đến tương lai của các nền tảng Internet. Những nền tảng này đã ưu tiên lợi nhuận và đặc quyền của bản thân hơn sự dân chủ, sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của người sử dụng. Không quá lời khi nói rằng nền tảng Internet, cũng như các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh, không hề an toàn.
Vụ bạo loạn hôm 6/1 là lời nhắc nhở hành động gửi đến chính quyền tổng thống Mỹ kế nhiệm. Ảnh: Getty. |
Chính quyền ông Biden có cơ hội xoay chuyển các chính sách dịch vụ của những nền tảng này, đưa ngành công nghệ trở lại như một động cơ tăng trưởng và nâng cao vị thế.
Mặc dù vậy, điều này đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ Mỹ trong 3 lĩnh vực: an toàn, quyền riêng tư và cạnh tranh. Việc sửa đổi hoặc bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp là không đủ.
Giờ đây, các kỹ sư công nghệ cũng phải chịu trách nhiệm nếu những sản phẩm của họ gây tác động tiêu cực đến xã hội. Ngoài trao quyền lựa chọn bảo mật cho người dùng, Apple cần áp dụng chính sách bảo mật toàn diện cho cả hệ sinh thái của công ty. Để chia tách các gã khổng lồ công nghệ, chính phủ Mỹ cần giữ sự cạnh tranh được công bằng.
Các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng hành động. Tác hại của các nền tảng Internet không còn là thứ quá trừu tượng, chúng đang gây bất ổn cho xã hội và chính phủ Mỹ.
Theo Wired, chính phủ Mỹ khó có thể ngăn chặn đại dịch và vực dậy nền kinh tế nếu không kiềm chế nạn tin giả và thuyết âm mưu. Cuộc bạo loạn của người biểu tình cực đoan hôm 6/1 nên là hồi chuông cảnh tỉnh để giới chức nước này có động cơ hành động.
(Theo Zingnews)
Facebook cấm ông Trump đăng bài đến hết nhiệm kỳ
Theo CEO Mark Zuckerberg, Facebook sẽ cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Facebook và Instagram trong khoảng thời gian không xác định, ít nhất tới hết nhiệm kỳ.