0h20 phút sáng ngày 20/5, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường Mễ Trì do nạn nhân say rượu mất lái. Sau khi nhận thông báo, Anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê Nam Định) - người sáng lập Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cùng đồng đội lập tức đi xe đến hỗ trợ. Tại hiện trường, người đi đường nhốn nháo xúm lại xem nhưng không một ai biết cách sơ cứu. Nạn nhân đau đớn trong tình trạng xây xát mặt, tay, chảy máu mũi và chảy máu tai. Rất nhanh, thành viên của FAS Angel dùng gạc thấm nước muối khử trùng những vết thương bị xây xát nhẹ và mở đường thở ở mũi để nạn nhân được an toàn.
“Thông thường thì một ngày FAS Angel sẽ hỗ trợ trung bình từ tám vụ cho đến cao điểm nhất có ngày lên tới hai mươi mấy vụ. Trong một năm lực lượng FAS Angel đã hỗ trợ cho rất là nhiều những vụ tai nạn khác nhau, lên tới hàng 3 - 4 nghìn người và trong suốt quãng thời gian hoạt động thì FAS Angel cũng đã nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể là giúp đỡ được mọi người”
Anh Phạm Quốc Việt chậm rãi chia sẻ về những ca sơ cứu. Bản thân anh cũng từng là nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông tại Tuyên Quang, trải qua 15 phút tuyệt nhiên không một ai đoái hoài, anh Việt thấu hiểu cảm giác cô độc và bị bỏ rơi của người gặp nạn. Sau khi thoát khỏi cửa tử, hành trình không bỏ rơi ai cả được anh Việt nhen nhóm và chính thức bắt đầu khi thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel.
Diễn giải về ý nghĩa tên FAS Angel, anh Việt cho biết FAS là viết tắt của cụm từ First Aid Support (hỗ trợ sơ cứu ban đầu). Còn Angel là một biểu tượng giống như thiên thần hộ mệnh của những nạn nhân không may gặp nạn.
“Đối với những người mà trong tình trạng nguy kịch hay có thể có cơ hội được chữa lành sau này, thì một hình ảnh nào đó trong tâm khảm của họ sẽ nhắc họ nghĩ đến đây có thể là những thiên thần hộ mạng. Còn đối với những người mà không may, không qua khỏi hoặc tử nạn tại hiện trường mà có lực lượng của FAS bên cạnh thì họ cũng sẽ không cô đơn khi ra đi.”
Hành trình “Không bỏ rơi ai cả”
FAS Angel nhấn mạnh năm tôn chỉ "Không bỏ rơi" - "Không thu phí" - "Không tranh cãi" - "Không phân biệt" - "Không kết án". Trong đó, “Không bỏ rơi ai cả” là tôn chỉ hoạt động tiên quyết của tất cả các thành viên trong đội.
Theo sự phân công của anh Việt, các thành viên được chia theo nhóm có mặt tại các điểm trực Ngã Tư Trần Vỹ, Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy, Hà Đông và những điểm phụ khác là những tuyến đường, nút giao có mật độ giao thông lớn, dễ xảy ra tai nạn.
Công việc đặc biệt này bắt đầu từ 21h30 phút tối hôm trước đến 1h sáng hôm sau, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì các thành viên của FAS Angel mới trở về nhà. Và vào bất cứ thời điểm nào, hễ có ca, thậm chí là dành cả đêm trắng anh Việt cùng đồng đội đều sẵn sàng ứng cứu.
FAS Angel nhận thông báo ca tai nạn qua hotline 082.251.0627, qua Fanpage và qua nhóm Zalo. Khi nhận được tin báo ca tai nạn, toàn đội liên hệ qua nhóm chat chung và điều phối thành viên gần hiện trường nhất đến ứng cứu nạn nhân. Đồng thời, nhóm chuyên trách sẽ cung cấp hình ảnh, thông tin cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm bắt được tình hình.
Thông thường thì cứ một tuần một lần, FAS Angel sẽ tổ chức những buổi rèn luyện kỹ năng dành cho những tình nguyện viên mới và kèm cặp ôn lại, rút kinh nghiệm đối với tình nguyện viên cũ.
“ Ngoài ra, FAS Angel cũng có những kết nối với các tổ chức kỹ năng sinh tồn khác nhau, những tổ chức dạy về đào tạo sơ cấp cứu để đào tạo cho tình nguyện viên của mình và được cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học. FAS Angel đã vận hành tốt những kỹ năng cần thiết, đúng và đủ cho nạn nhân bằng những hình thức về sự trải nghiệm cũng như là những kinh nghiệm thực tế ngoài hiện trường.”
Sơ cứu nạn nhân không đơn giản, chỉ một động tác thừa thì điều không may sẽ xảy ra. Vì vậy, anh Phạm Quốc Việt rất chú trọng vào quá trình đào tạo kỹ năng sơ cứu chuyên nghiệp, bài bản cho các thành viên. Tạo niềm tin vững chắc rằng nạn nhân sẽ được sơ cấp cứu nhanh chóng, đúng kỹ thuật.
FAS Angel hiện có hơn 10 thành viên nòng cốt quản lý các hoạt động và hơn 70 cộng tác viên. Những thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu có những bạn trẻ chỉ mới 18, đôi mươi, họ làm những công việc khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung tinh thần sẵn sàng cứu người gặp nạn.
Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 2004, quê ở Hải Dương), hiện là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Y Hà Nội đã tham gia vào Đội hơn 6 tháng. Đối với Hiền, đồng hành cùng FAS Angel là một điều ý nghĩa: “Khi mà gắn bó với đội thì cái quỹ thời gian của mình nó bị thu hẹp lại nhưng mà mình cảm thấy đây là một sự bận rộn có ý nghĩa, cái đóng góp của mình cho xã hội và cũng giúp được rất là nhiều người khi mà tham gia giao thông trên đường không may bị tai nạn, họ được sơ cấp cứu kịp thời.”
Được thành lập từ tháng 9/2019 đến nay, Đội đã sơ cứu thành công hơn 15000 vụ tai nạn. Và trong những vụ tai nạn đó có rất nhiều người may mắn vượt qua cơn nguy kịch vì được sơ cấp cứu kịp thời.
Lê Nhật Minh (sinh năm 2002, quê Ninh Bình), một trong những nạn nhân được thành viên của FAS Angel hỗ trợ sơ cứu cảm thấy rất may mắn và biết ơn:
“Vào khoảng 9H30 ngày 13/1/2023, trên đường ngã tư đoạn giữa hai tuyến đường Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương, mình trên đường đi làm về với tốc độ khoảng 40 km/giờ thì bị hai đối tượng đua xe máy đi từ đằng sau và bất ngờ đâm vào bên tay trái khiến mình ngã ngay lập tức. Xe và người bị văng một quãng đường khoảng 3 mét, chân tay mình bị thương và toàn thân đau nhức, không thể nào dậy để nhìn rõ đối tượng gây tai nạn. Sau đó mình được một anh chạy Grab kéo vào dưới chân cầu và anh ấy đã gọi cho đội cứu hộ là anh Cường. Khoảng tầm 10 phút thì anh Cường đã có mặt và giúp mình xử lý vết thương. Anh Cường còn ở lại và gọi xe cứu hộ khác để mang xe của mình đến gara để sửa xe. Sau đó thì anh đã đưa mình về đến tận nhà. Mình rất biết ơn những người như anh Cường cũng như FAS Angel, nhờ các anh mà rất nhiều người không may mắn gặp tai nạn giao thông đã được chữa trị kịp thời ”
Những đóng góp của Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel thời gian qua đã được ghi nhận và được đánh giá cao. Đội được trao bằng khen về Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022 và các huy hiệu khác. Trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV năm 2022, dự án “Phát triển đội hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng” của anh Phạm Quốc Việt vinh dự đạt giải B. Và anh Việt cũng là nhân vật truyền cảm hứng của Báo VietNamNet năm 2021 cùng những huy hiệu danh giá khác.
Đặt mình vào vị thế nạn nhân
Được ghi nhận là vậy, bên cạnh đó Đội cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Là một đội tự lập, tự lực, nên FAS Angel còn gặp khó khăn về mặt kinh tế, cần sự tương trợ thường xuyên. Và đặc biệt là những áp lực ngoài hiện trường, làm sao để thuyết phục người dân, thuyết phục người bị nạn tin tưởng vào khả năng sơ cứu của Đội trước những nghi hoặc "có sơ cứu được không", " sao không băng chỗ này", "sao không cầm máu chỗ kia". Làm sao để không bị người nhà nạn nhân đánh oan, lầm tưởng rằng mình là người gây ra tai nạn. Những lúc như thế thành viên của FAS Angel chỉ có thể đặt mình, tập trung toàn bộ vào nạn nhân để tiếp tục sơ cứu.
Anh Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1995, quê Bắc Giang), thành viên đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel chia sẻ:
“Những áp lực mà mình gặp hiện trường thì phải là một người rất là rắn rỏi, dày kinh nghiệm thì mới chịu được áp lực đó, thì đối với các bạn thành viên mới, hoặc là như mình thì mình dặn các bạn là bỏ ngoài tai những lời nói và những cử chỉ ở bên ngoài. Mình tập trung toàn bộ những cái mình biết, mình tập trung vào nạn nhân, tập trung vào những vết thương nạn nhân đang cần sự giúp đỡ”
Đối với những ca tai nạn nghiêm trọng, lằn ranh giữa sự sống và cái chết cận kề thì áp lực đặt lên vai những thành viên của FAS Angel nặng nề hơn bao giờ hết. Tâm trí và sức lực tất cả đều hướng về nạn nhân với hy vọng họ có thể tiếp tục được sống.
Anh Luân trầm lặng kể về ca tai nạn trên đường Văn Cao. Khi đến nơi, nạn nhân rơi vào trạng thái ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, anh Luân cùng đồng đội ép tim cho nạn nhân. Tình thế nguy cấp, anh Luân không có ô tô để hỗ trợ và cũng không thể chờ được xe cấp cứu, cho nên đã nhanh chóng đưa nạn nhân lên xe phường và lại trực tiếp ép tim. Cứ như vậy 15 phút, 30 phút ép tim căng thẳng trôi qua…
“Mình cứ cố gắng làm sao mà dành hết tinh thần và sức lực với ý chí của mình dành cho nạn nhân. Mình muốn người ta quay lại với sự sống và quay lại với gia đình của họ, không để ý đến bất cứ một cái gì khác bên ngoài. Mình cố gắng dồn hết sức lực, sau 30 phút ép tim nạn nhân cũng không qua khỏi, nhưng mà mình cũng không hối hận vì mình đã làm hết sức có thể”.
Chỉ khi đặt mình vào vị trí của nạn nhân thì mới không bỏ rơi nạn nhân. Với mong muốn người tai nạn giao thông có được cơ hội chữa lành tốt hơn, cũng chính là lý do để anh Việt cũng như đồng đội tiếp tục công việc đặc biệt này:
“Nó gần như là một phần nào đó khẳng định được là công việc của FAS Angel có thể là mãi mãi vĩnh viễn. FAS Angel thúc đẩy góc nhìn tốt hơn về những người bị tai nạn giao thông mà họ nằm ở ngoài đường mà bản thân có rất là nhiều những vụ bỏ rơi, không quan tâm đến nạn nhân. Khi họ nằm đó và cuối cùng nghĩ là họ đã chết thì FAS Angel đang nỗ lực cố gắng để xóa bỏ đi cái tư tưởng này”.
Sau lần gặp gỡ với Đội tại đêm giáng sinh năm ngoái, Trần Thu Phương (sinh năm 2002, Hà Nội) đã có một khoảng thời gian được học sơ cứu và gắn bó cùng Đội. Phương bày tỏ:
“Công việc này có những cái áp lực nhất định, thậm chí là những cái nỗi ám ảnh. Thế nhưng mà cái sự gan dạ của các thành viên FAS thể hiện rõ ở cái tinh thần lạc quan. Bên cạnh đó thì cái tác phong khi mà làm việc mình thấy rất là nghiêm túc, khẩn trương. Các anh chị cứu một người lạ nhưng mà đặt cái tâm huyết và nỗ lực hết mình như là đang cứu chính người thân của họ”.
Những thành viên của FAS Angel đều là những người bình dị. Họ sẵn sàng đi trực cả tuần, tận dụng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày của mình để làm công việc mà người ta gọi là “vác tù và hàng tổng”. Bởi lẽ thứ họ nhận lại là cảm giác hạnh phúc khi được cho đi, là thở phào nhẹ nhõm vì nạn nhân đã được ứng cứu kịp thời và không hối tiếc vì đã làm hết sức.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, hành trình không bỏ rơi ai cả của FAS Angel đã, đang và còn sẽ làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình. Hành trình ấy truyền cảm hứng sống tử tế, sống đẹp đến với tất cả mọi người.
Vân Anh