Giải pháp dung hòa từ nước Mỹ

Đúng như dự báo của các chuyên gia và tín hiệu từ thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) trong phiên họp kéo dài 2 ngày vừa kết thúc vào rạng sáng 2/11 (giờ Việt Nam).

Đây là lần không tăng lãi suất thứ 2 liên tiếp. Trước đó, kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất 11 lần liên tiếp lên mức đỉnh 22 năm: 5,25%-5,5%.

Như vậy, Fed đã không đẩy chính sách tiền tệ lên một mức thắt chặt mới. Xu hướng lỏng tay nhằm không ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của nền kinh tế và tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước này, cho dù lạm phát vẫn còn ở mức cao.

Theo Fed, các hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh trong quý III/2023, và lưu ý về thị trường lao động với số lượng việc làm “đã hạ nhiệt so với đầu năm, nhưng vẫn còn cao”.

Trong quý III/2023, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP 4,9%.

fedchutich.jpg

Fed không tăng lãi suất trong bối cảnh thị trường lao động nước này suy yếu tháng thứ 3 liên tiếp, với số lượng công việc mới trong tháng 10 chỉ đạt 113.000 trường hợp, thấp hơn so với mức kỳ vọng 149.000 công việc mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp, lương người lao động Mỹ suy giảm.

Cuộc chiến tại Dải Gaza vẫn khốc liệt và có xu hướng lan rộng có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ. 

Lợi tức trái phiếu Mỹ gần đây lên vùng nguy hiểm 4,8-5%/năm, khiến Phố Wall lo ngại, đẩy tụt thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh năm 2022 (9,1%/năm). Lạm phát lõi tháng 9 của Mỹ ở mức 3,7%, còn cao so với mục tiêu 2% nhưng đã thấp hơn nhiều trước đó.

Đà bán tháo của trái phiếu Mỹ và những tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu và tới nền kinh tế Mỹ… cũng là các yếu tố dẫn tới quyết định ngừng tăng lãi suất của Mỹ. Gần đây, đồng USD tăng vọt, nhiều đồng tiền các quốc gia khác trong đó có yen Nhật lao dốc, trong khi thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới rơi mạnh.

Ở chiều ngược lại, chương trình thắt chặt định lượng vẫn được tiếp tục với mức hút ròng 60 tỷ USD/tháng, dự kiến kéo dài đến tháng 8/2024.

Fed cũng ngụ ý vì nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ tiếp tục trụ vững cho nên Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể phải giữ lập trường thắt chặt trong khoảng thời gian dài.

Thị trường tài chính toàn cầu ổn định, nỗi lo tỷ giá tại Việt Nam giảm

Ngay sau những tín hiệu chính sách từ Fed, thị trường tài chính thế giới đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) đã giảm mạnh từ mức 106,8 điểm đêm qua (giờ Việt Nam) xuống còn 106,3 điểm vào sáng nay 2/11.

Trước đó, nhiều người lo ngại nếu DXY lên tới 110 điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ gặp khó và có thể phải dùng thêm nhiều biện pháp để can thiệp, trong đó có việc bán dự trữ ngoại hối giống như quý IV/2022.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng quay đầu tăng trở lại sau một tháng ảm đạm và giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 200 điểm sau quyết định của Fed. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng mạnh.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng 2/11 giảm mạnh về mức 4,715%/năm, thấp hơn nhiều so với vùng nguy hiểm 4,8%-5% trước đó. Trái phiếu 30 năm giảm còn 4,945%, thay vì mức 5,1-5,3% trước đó.

Giá dầu giảm rất nhanh, rớt khoảng 3% với dầu WTI xuống 81 USD/thùng, còn Brent xuống dưới 85 USD/thùng cho dù ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Israel-Hamas còn lớn.

fed2023nov2.jpg
Fed ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp 31/10-1/11. (Biểu đồ: M. Hà)

Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn đầu tư & Quản lý gia sản FIDT, cho rằng quyết định của Fed có ảnh hưởng tích cực tới Việt Nam về mặt vĩ mô và chính sách tiền tệ.

Theo ông Tuấn, áp lực hút thanh khoản và tỷ giá có thể hạ nhiệt và đồng USD trên thị trường tự do sẽ về lại dưới vùng 24.500 đồng/USD.

Cũng theo ông, lãi suất tại Việt Nam tiếp tục có dư địa duy trì ở vùng thấp và kéo dài.

Còn với thị trường chứng khoán, khi tỷ giá ổn định trở lại và lãi suất thấp, dòng vốn ngoại sẽ ngừng rút và có thể đảo chiều mua ròng.

Tâm lý của các nhà đầu tư cũng sẽ ổn định trở lại sau một thời gian lo ngại kéo dài gần đây khi tỷ giá tăng cao, và nhiều người nói khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, hút tiền về làm ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của nền kinh tế.

Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có cuộc họp chính sách tiền tệ.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật giữ nguyên lãi suất ở mức thấp nhưng chịu áp lực rất lớn khi đồng yen rớt xuống mức 150 yen/USD. Đây là mức thấp nhất mới trong hơn năm qua và được xem là vùng "nguy hiểm".

Một quyết định ngừng tăng lãi suất của Mỹ có thể giúp thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam ổn định trở lại cho dù vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động tới tỷ giá, lạm phát và sự hồi phục của nền kinh tế các nước, đặc biệt khu vực châu Á.

Xung đột địa chính trị vẫn khó kiểm soát. Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó có cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.