Đến “quê hương” của phở tìm hiểu cách làm món truyền thống
Từ những năm 1900 của thế kỷ trước, người làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã bắt đầu lên Thủ đô Hà Nội để bán phở, từ đó món ăn ngon lan rộng khắp các tỉnh thành trên toàn quốc như hiện nay. Ngôi làng này được coi như là “quê hương” của nghề phở Việt Nam với nét đặc sắc nguyên bản xuất phát điểm từ bát phở bò chín. Được biết, để làm nên một bát phở truyền thống, bên cạnh các nguyên liệu đều phải được tuyển chọn chuẩn chỉ, người làng Vân Cù còn nắm giữ bí quyết về bánh phở tự tráng thủ công đạt tiêu chí “mềm, mỏng, dai”.
Trong ngày hội Festival Phở, tại khu vực ẩm thực ở đình làng Vân Cù, quy trình làm nên món phở nức danh đã được các nghệ nhân trong làng thực hiện, thu hút sự tham gia đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước. Người tham dự có dịp tự tay tráng bánh phở theo cách thủ công và thưởng thức món phở bò với hương vị nguyên bản truyền thống.
Bên cạnh đó, sự kiện còn có các hoạt động tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của phở theo dòng thời gian thông qua biểu diễn ca nhạc dân gian hội làng, nghi lễ tế cúng tổ nghề...
Chị Xuân - một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Là một người thường xuyên lựa chọn món phở để ăn sáng, tôi được biết món ăn này được bắt nguồn từ Nam Định nên đã cùng gia đình về làng Vân Cù để tham quan và tìm hiểu. Được tự tay tráng bánh phở để tạo thành sợi phở trắng muốt, mềm dai, sau đó lại trực tiếp thưởng thức những bát phở nóng hổi, thơm ngon; gia đình tôi rất thích thú”.
Trong khuôn viên đình làng Vân Cù vào sáng cùng ngày, hàng ngàn học sinh trường Tiểu học Đồng Sơn, trường THCS Trường Đồng Sơn (huyện Nam Trực, Nam Định) được thưởng thức bát phở truyền thống trứ danh của làng Vân Cù và tìm hiểu trải nghiệm cách tạo nên một bát phở ngon.
Hoạt động tham quan làng phở Vân Cù nằm trong Festival Phở 2024 nhằm tôn vinh món ăn truyền thống. Đồng thời, đây là cơ hội giúp du khách tham quan và người dân được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa vùng miền; góp phần quảng bá món phở vươn xa hơn nữa trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới.
Nỗ lực để nghề phở Nam Định phát triển
Để giữ gìn nghề gia truyền và các giá trị nguyên bản từ ông cha, người làm nghề phở quê Làng Vân Cù đã quy tụ các nghệ nhân thành lập CLB Phở Vân Cù, xây dựng Chi hội Phở truyền thống Vân Cù (trực thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định).
Nghệ nhân Cồ Như Đồi, một người con làng Vân Cù thuộc thế hệ thứ 4 làm nghề phở với hơn 35 năm kinh nghiệm, chia sẻ tâm tư: “Chúng tôi mong muốn làm được món ăn chất lượng thật bằng việc làm thật từ những con người thật làng Vân Cù. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc xây dựng các cửa hàng phở ở làng Vân Cù có sự nhất quán về chất lượng, biển hiệu để làm thương hiệu nhận diện với du khách".
Cũng trong sáng ngày 15/3, nhãn hàng Chin-su đã kí kết hợp tác với Chi hội Phở làng Vân Cù để cùng chung tay bảo vệ, phát triển, tôn vinh nghề phở góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, công ty Masan Consumer cũng trao 300 triệu đồng hỗ trợ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định thực hiện chương trình di sản phở Vân Cù.
Chuỗi sự kiện tổ chức trong 3 ngày tại tỉnh Nam Định được kỳ vọng thu hút sự đông đảo du khách. Thông qua Festival, ban tổ chức hướng tới mục tiêu đưa phở trở thành một “thương hiệu quốc gia”, gắn liền với phát triển du lịch trong và ngoài nước. Festival Phở 2024 kỳ vọng trở thành bước tiến trong nỗ lực đưa nghề phở Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới.
Festival Phở 2024 với chủ đề “Con đường Phở Việt” diễn ra từ ngày 15 - 17/3/2024 do UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo và Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đồng tổ chức; cùng sự đồng hành của Hiệp hội nước mắm Việt Nam, nhãn hàng Chin-su và Phở Story. Bên cạnh hoạt động tham quan làng phở Vân Cù, chuỗi các hoạt động hấp dẫn khác như: xác lập nồi phở khổng lồ, quảng diễn “Hương vị phở Việt”, đêm nhạc trẻ “Phở trong tôi”, tọa đàm “Con đường Phở Việt và sợi Phở”, phát coupon trải nghiệm 15.000 đồng cho 1 bát phở… sẽ được diễn ra tại khu vực quảng trường khách sạn Nam Cường (TP. Nam Định), bắt đầu từ chiều ngày 15/3. |
Đậu Linh