Chương trình tư vấn cải tiến sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Cục Công nghiệp phối hợp với Toyota Việt Nam triển khai năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 7 công ty tham gia chương trình năm nay đã tiết kiệm được hàng trăm giờ làm việc, giảm tồn kho, tăng năng suất, qua đó, tiết kiệm được từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng chi phí sản xuất.
Công ty FiTek Việt Nam (KCN Yên Phong mở rộng, Yên Trung, YênPhong, Bắc Ninh, Việt Nam), chuyên gia công cơ khí cho các doanh nghiệp điện tử là một ví dụ điển hình.
Ông Bùi Thanh Trường, Quản đốc Công ty Fitek Việt Nam chia sẻ, trước đây, nhận thức về Kaizen, 5S của nhân viên chưa cao, văn hoá 5S chưa tốt. Trong vận hành sản xuất, vẫn còn tồn tại nhiều thao tác khó, gây nguy hiểm cho người lao động. Đặc biệt, dòng chảy sản xuất không phù hợp vì có nhiều yếu tố gây lãng phí như tồn kho nguyên phụ liệu nhiều. Trung bình thời gian tồn kho nguyên phụ liệu là 6 ngày, tồn kho bán thành phẩm lên tới 13 ngày. Từ đó, hiệu quả sản xuất còn thấp, chỉ đạt 65%.
“Sau khi trao đổi với Toyota, cử cán bộ học tập tại Toyota, kiểm tra hiện trường, tổ chức các cuộc họp, theo dõi định kỳ… và áp dụng các tư vấn của Toyota, công ty đã đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Bùi Thanh Trường cho hay.
Cụ thể, nhân sự giảm xuống 5 người, giảm 3,96%. Diện tích mặt bằng sản xuất ban đầu là 3.000 m2, sau khi sắp xếp lại, chỉ còn sử dụng 1.700 m2. Diện tích 1.300m2 cắt giảm này tương ứng 1 nhà xưởng. Nhờ đó, công ty giảm tới 1,2 tỷ đồng tiền thuê nhà xưởng trong 1 năm.
Số máy móc giảm đi 2, tương ứng 2%. Đáng chú ý nhất là tồn kho bán thành phẩm giảm tới 70%, từ 13 xuống 5 ngày.
Ông Trường chia sẻ, có những thay đổi cụ thể như sắp xếp lại toàn bộ khu vực để hàng. Trước đây, dolly để còn lộn xộn, chưa có quy định vị trí để nên công nhân khó lấy dolly và dễ quệt chân vào cạnh sắc, mất an toàn. Sau khi thực hiện Kaizen, công ty đã cố định vị trí và dán tem nhãn vị trí để hàng cho từng sản phẩm, nhờ đó, công nhân thao tác an toàn và dễ dàng thuận tiện hơn.
Hoặc đơn cử như thao tác xoay người của công nhân cũng liên quan đến vấn đề năng suất lao động. Trước đây, công nhân lấy nguyên vật liệu để đưa vào máy thì phải xoay người 180 độ nhưng nay, chỉ quay 90 độ. Nhờ đó, công ty giảm được giờ công tại công đoạn chấn tương ứng giảm tới 48,5 giờ/tháng.
Ví dụ như thao tác cúi người lấy nguyên vật liệu trong công đoạn chấn, trước đây, công nhân phải cúi thấp xuống để lấy nguyên vật liệu để ở vị trí mặt sàn. Sau khi cải tiến, công ty bố trí thêm bàn để nguyên vật liệu, công nhân không cần phải cúi thấp, giảm được những thao tác thừa, nhờ đó giảm tiêu chuẩn giờ công dập.
Dòng chảy sản xuất được hiển thị đầy đủ giúp cho ban lãnh đạo quản lý và phát hiện được các bất thường một cách kịp thời.
Trước đây, layout sản xuất không theo dòng chảy, người đứng chờ máy, di chuyển nhiều. Dây chuyền CNC phải thuê ngoài với chi phí hơn 100 triệu đồng/tháng. Khi sắp xếp các máy lại gần nhau, cân bằng được thời gian trong các công đoạn, công ty giảm được diện tích, thao tác dễ dàng, tiết kiệm được 1.300 m2 nhà xưởng thực hiện công đoạn CNC line. Đặc biệt nhất là sau cải tiến này, dòng chảy sản xuất được chuyển từ nhà máy 2 về nhà máy 1. Đây chính là lý do giúp tiết kiệm 1,2 tỷ đồng/năm.
Dù kết quả tích cực nhưng quá trình cải tiến sản xuất này sẽ tiếp tục được duy trì. Ông Trường nhấn mạnh, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục cần thiết như đào tạo toàn bộ nhân viên tại nhà máy, triển khai 5S lever 3 nhân rộng toàn nhà máy, tiếp tục kaizen để giảm diện tích, cải tiến công cụ dụng cụ sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất…
“FITEK sẵn sàng tiếp đón, chia sẻ với các doanh nghiệp (doanh nghiệp khác ngành/nghề) thăm quan học hỏi để cùng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”, ông Trường nhấn mạnh.
Được biết, để có những kết quả thay đổi này, công ty Fitek có sự đồng hành đổi mới tư duy từ tập thể ban lãnh đạo công ty. Ngay khi bắt đầu thực hiện chương trình cải tiến do Toyota và Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương hỗ trợ. Một ban cải tiến được thành lập, kế hoạch được lập ra với các mục tiêu rõ ràng.
Chính thức thành lập từ tháng 10/2027, FiTek Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp nhiều linh kiện, thiết bị gia công cơ khí cho các doanh nghiệp FDI lớn. Khách hàng đầu tiên là tập đoàn Samsung. Năm 2019 đến nay, công ty tiếp tục mở rộng tệp khách hàng các sản phẩm về Tủ điện (EVN), Tủ viễn thông (Viettel, Mobifone, VNPT), gia công các sản phẩm xuất khẩu cho các thị trường Mỹ(USA), Nhật Bản và duy trì sản xuất cho lĩnh vực phụ trợ công nghiệp.
Sản phẩm chính của công ty là gia công CNC, jig, đồ gá, gia công kim loại tấm; sơn tĩnh điện…
Kim Duyên