Chuyên gia Fortinet nhấn mạnh, các mã độc trên không gian mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn để “qua mặt”, tránh bị các công cụ bảo mật, giải pháp bảo vệ an ninh mạng phát hiện. (Ảnh minh họa: Fortinet) |
Báo cáo tổng quan về các mối đe dọa an ninh mạng của quý 2/2019 vừa được hãng bảo mật Fortinet công bố ngày 3/9/2019.
Theo Fortinet, trong quý 2/2019, chỉ số toàn cảnh của các mối đe dọa trên mạng - một thước đo cho các hoạt động nguy hại trên mạng Internet, đã chạm mốc cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, chuyên gia Fortinet nhận định, nhiều công cụ mang mã độc đang ngày càng trở nên tinh vi hơn trong các hoạt động che giấu và chống phân tích để tránh khỏi phần mềm chống virus hoặc các biện pháp phát hiện mối đe dọa khác.
Minh chứng cho nhận định trên, Fortinet cho hay, một chiến dịch thư rác điện tử gần đây cho thấy các hacker đã sử dụng và điều chỉnh kỹ thuật chống lại những biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Cụ thể, chiến dịch sử dụng 1 email mạo danh có tệp đính kèm là file tài liệu Excel có chứa macro (một chương trình chạy bên trong tập tin) độc hại. Macro có các thuộc tính được thiết kế để vô hiệu hóa các công cụ bảo mật, thực hiện các lệnh một cách tùy ý, gây ra các vấn đề về bộ nhớ.
Một ví dụ khác liên quan đến biến thể của mã độc trojan ngân hàng Dridex. Loại Trojan này có thể thay đổi tên của các tệp tin mỗi khi nạn nhân đăng nhập, gây khó khăn cho việc phát hiện mã độc trên các hệ thống máy chủ bị lây nhiễm.
Chuyên gia Fortinet cho rằng: “Việc hacker gia tăng sử dụng các chiến thuật chống phân tích và lẩn tránh trên phạm vi rộng hơn là lời nhắc với các tổ chức, doanh nghiệp về sự cần thiết của các biện pháp phòng thủ đa lớp và khả năng phát hiện mối đe dọa dựa trên hành vi”.
Báo cáo mới của Fortinet cũng cảnh báo về mã độc đánh cắp thông tin Zegost. Theo Fortinet, mã độc này là nền tảng ban đầu của một chiến dịch lừa đảo trực tuyến có mục tiêu và sử dụng các kỹ thuật tinh vi. Giống như các phương thức đánh cắp dữ liệu khác, mục tiêu chính của Zegost là tổng hợp thông tin về thiết bị của nạn nhân và thu thập chúng. Tuy nhiên, khi so sánh với các mã độc khác, Zegost được cấu hình đặc biệt để chạy phía dưới phần kiểm soát của radar.
“Ví dụ như, Zegost bao gồm chức năng được thiết kế để xóa toàn bộ lưu trữ về lịch sử sự kiện. Các loại mã độc điển hình khác đều không có tính năng này. Một sự phát triển thú vị khác trong khả năng lẩn tránh của Zegost là một lệnh giữ cho hành vi đánh cắp thông tin của mình ở trạng thái tĩnh cho đến sau ngày 14/2/2019, sau đó nó bắt đầu hành vi lây nhiễm mã độc của mình.
Các tác nhân đe dọa đằng sau Zegost sử dụng một kho các hình thức khai thác lợi dụng hiệu quả nhằm đảm bảo chúng thiết lập và duy trì mối liên hệ với các nạn nhân mục tiêu, khiến nó trở thành mối đe dọa lâu dài hơn nhiều so với các phương thức tấn công khác”, chuyên gia Fortinnet phân tích.
Theo Fortinet, nhiều mã độc tống tiền được chuyển từ kiểu tấn công hàng loạt sang tấn công có chủ đích rõ ràng nhằm vào các doanh nghiệp, tổ chức (Ảnh minh họa: Internet) |
Đáng chú ý, trong báo cáo mới công bố, Fortinet cũng đưa ra nhận định mã độc tống tiền tiếp tục xu hướng nhắm tới nhiều cuộc tấn công có mục tiêu hơn. Fortinet cho rằng, các cuộc tấn công nhằm vào hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp, hệ thống giáo dục… thời gian qua là cảnh báo cho thấy mã độc tống tiền có khả năng gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng. Nhiều mã độc tống tiền được chuyển từ kiểu tấn công hàng loạt sang tấn công có chủ đích rõ ràng nhằm vào các doanh nghiệp, tổ chức.
Trong nhiều trường hợp, hacker thậm chí đã tiến hành thăm dò kỹ lưỡng “con mồi” trước khi triển khai. Ví dụ như, phần mềm gián điệp RobbinHood được thiết kế để tấn công cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp và có khả năng vô hiệu hóa các dịch vụ của Windows. Hay loại mã độc tống tiền mới hơn có tên Sodinokibi cũng là một mối đe dọa.
“Dù tấn công theo phương thức nào, phần mềm tống tiền vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các công ty trong tương lai. Loại mã độc này chính là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ưu tiên phát triển các bản vá và cải thiện nhận thức về bảo mật thông tin. Ngoài ra, sự gia tăng các lỗ hổng bảo mật của Giao thức điều khiển máy tính từ xa, ví dụ như BlueKeep, là một cảnh báo rằng các dịch vụ truy cập từ xa có thể là cơ hội cho tội phạm mạng lan truyền mã độc tống tiền”, đại diện Fortinet cảnh báo.
Fortinet cũng khuyến nghị, kết hợp khả năng nhận diện mối đe dọa với việc xây dựng kế hoạch phù hợp và các giải pháp bảo mật tích hợp là chiến lược khả thi nhất để các doanh nghiệp, tổ chức có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa đang ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp hiện nay.