Chia sẻ với VietNamNet, sáng ngày 13/2, Đại diện Cục Viễn thông cho hay, tính đến 12h đêm hôm qua (12/2), các nhà mạng đã cải thiện một chút về chất lượng kết nối đi quốc tế. Cụ thể, ngày 10/2 lưu lượng đi quốc tế vào giờ cao điểm của VNPT là 96% trên tổng dung lượng kết nối đi quốc tế, đến 12h đêm ngày 12/2 tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 95%. Tương tự như vậy, lưu lượng vào giờ cao điểm của Viettel ngày 10/2 là 96% trên tổng dung lượng đi quốc tế của nhà mạng này, đến 12h đêm ngày 12/2 tỷ lệ đã giảm nhẹ xuống còn 95,4%.
Hiện các doanh nghiệp viễn thông đã nỗ lực tăng tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10% để giảm tình trạng nghẽn, tuy nhiên nhiều nước trong khu vực cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp quang biển này, nên để làm việc với các đối tác nước ngoài cũng rất khó khăn. Đại diện Viettel cho hay, việc tăng cường tuyến cáp kết nối quốc tế trên đất liền vẫn đang được tiếp tục để đảm bảo tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10%.
CMC cũng có con số dự phòng cơ bản đáp ứng được yêu cầu là 10%. Cụ thể ngày 10/2 lưu lượng đi quốc tế vào giờ cao điểm của CMC là 91,2% trên tổng dung lượng kết nối đi quốc tế, đến 12h đêm ngày 12/2 tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 90,67%.
MobiFone có tỷ lệ dự phòng dung lượng kết nối đi quốc tế khá tốt. Nếu như ngày 10/2 lưu lượng đi quốc tế vào giờ cao điểm của MobiFone là 78% trên tổng dung lượng kết nối đi quốc tế, thì đến 12h đêm ngày 12/2 tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 73,1%. Với con số này, MobiFone đã có mức tỷ lệ dự phòng mạng lưới ở mức 27% .
Tương tự như MobiFone, FPT cũng có tỷ lệ dự phòng khá tốt khi luôn đạt ở mức khoảng 27%. Cụ thể, ngày 10/2 lưu lượng đi quốc tế vào giờ cao điểm của FPT là 75% trên tổng dung lượng kết nối đi quốc tế, đến 12h đêm ngày 12/2 tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 74%.
Sự cố xảy ra liên tiếp trên những tuyến cáp quang biển AAG, APG, AAE-1 và IA, trong đó duy nhất có tuyến APG mất kết nối hoàn toàn với các hub là Singapore và Hong Kong, vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cả các nước trong khu vực. Sự cố làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế trên các tuyến cáp quang biển.
Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo điều phối thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Đến nay, với nhiều phương án xử lý, doanh nghiệp đã bù đắp được khoảng 50% dung lượng đi quốc tế. Như vậy, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông từng bước được cải thiện, giải quyết tình trạng mất kết nối, nhưng tốc độ có thể bị chậm vào giờ cao điểm. Trong thời gian chờ khắc phục hoàn toàn sự cố cáp quang biển, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tối ưu, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cải thiện chất lượng, đặc biệt là mở thêm dung lượng kết nối trên đất liền.
Tại cuộc trao đổi với báo chí về các nội dung xung quanh việc có tới 4 tuyến cáp biển mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng đang gặp sự cố, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay, Bộ nhận thấy rằng những lúc khó khăn lại tạo ra những cơ hội mới. Khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi HongKong (Trung Quốc) và Singapore gặp nhiều khó khăn, thì chúng ta nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Thắng cũng nhấn mạnh rằng, để giải quyết vấn đề kết nối quốc tế trong dài hạn, cần có thêm các tuyến cáp biển: “Việc đầu tư phát triển thêm các tuyến cáp biển không chỉ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng Internet mà còn để đảm bảo tính sẵn sàng, nhiều hướng, không phụ thuộc quá nhiều vào 1 hoặc 2 hướng đang có”.
Vì thế, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư các tuyến cáp quang biển, mở thêm các trạm cập bờ mới như Quy Nhơn, ngoài các trạm ở Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu như hiện nay.
Thời gian vừa qua, 2 doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel đã tham gia vào các liên minh để đầu tư xây dựng các tuyến cáp biển mới là SJC2 và ADC. Theo đúng tiến độ đã đề ra, trong năm nay, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ được xây dựng xong, đưa vào vận hành chính thức. Như vậy, ngay trong năm 2023, số tuyến cáp biển các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, sử dụng sẽ được nâng lên 7 tuyến.