Cuốn sách tập hợp 41 bài tản văn và 43 bức tranh tiêu biểu của Phong Tử Khải. Trong đó, tác giả miêu tả cuộc sống thường ngày một cách tinh tế, thể hiện cái nhìn và tấm lòng thơ trẻ trong thế giới của người trưởng thành.
Sống vốn đơn thuần, như tác giả đã nói, là những ghi chép và khảo chứng kỹ càng mọi sự vật mà ông từng thấy, từng nghe, từng làm trong 30 năm cuộc đời, ấy vậy mà vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tác phẩm.
Thể hiện chút quyến luyến quá khứ, những câu chuyện trích ra từ miền ký ức như đi thuyền về thăm mộ, nuôi tằm, câu cá, ăn cua… cho đến kỷ niệm gia đình, thú vui Tết truyền thống như làm bánh, cúng thần Phật, cúng gia tiên, đốt pháo hoa mừng năm mới, cầm lồng đèn đi thu nợ... được tác giả viết với giọng văn bình dị, gần gũi. Nhưng ẩn sau từng trang sách là nỗi niềm riêng tư của người viết trước quy luật tàn nhẫn của tự nhiên.
“Đời người cũng có đông hè, ấu thơ như hạ, trưởng thành như đông, hoặc tuổi trẻ như hạ, già như đông. Tự nhiên cũng thường khiến cảm giác của con người ta thay đổi khi chuyển từ hè sang đông trong cuộc đời, mệnh lệnh của nó hết sức hà khắc, nhưng cũng hết sức hoạt kê”, trích Sống vốn đơn thuần.
Phong Tử Khải cho rằng chỉ con trẻ mới có tâm hồn hoàn mỹ nhất, chân tướng sự vật trên đời chỉ trẻ thơ thấu tỏ, nhìn nhận toàn diện nhất. Ông tự nhận tâm hồn mình sớm bị cõi đời này che lấp, bào mòn để lại một kẻ tàn tật, đáng thương.
“Trẻ nhỏ có thể gạt bỏ những quan hệ nhân quả mắc míu giữa vạn vật trên đời để nhìn thẳng vào sự vật. Tôi sống giữa hiện thực ‘cơm áo không đùa với khách thơ’, cũng nên học theo cách ấy, tạm thời nhìn thẳng vào bản thân sự vật”, tác giả viết
Mạnh Tử từng nói: “Bậc đại nhân là kẻ không đánh mất tấm lòng thơ trẻ”. Ấy vậy mà, dù muốn hay không cuộc sống vẫn ép ta phải trưởng thành để thích ứng với xã hội. Và tất cả những gì quá trình ấy đem lại ngoài một cơ thể tưởng chừng vững chãi là một trái tim dần trở nên nhỏ bé hơn, mất đi sự thông suốt thủa ấu thơ bởi cạm bẫy cuộc đời.
Cuốn sách gửi đến thông điệp mỗi độc giả hãy vun đắp cho tấm lòng thơ trẻ của mình, "không bị vật chất cám dỗ", có thể chủ động quan sát và uốn nắn thế giới, tránh bị lưới đời vây bủa.
Vượt qua khoảng cách thời gian gần một thế kỷ, Sống vốn đơn thuần của Phong Tử Khải đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thưởng thức: vu vơ lật lúc tâm trạng sa sút ấy là ngọn lửa ấm áp, thảnh thơi đọc khi cuộc đời suôn sẻ lại như làn gió mát lành…
Phong Tử Khải (1898 - 1975) là nhà văn, họa sĩ. Ông từng tôn Pháp sư Hoằng Nhất (Lý Thúc Đồng) làm thầy, thông hiểu văn hóa Trung Quốc lẫn phương Tây. Tản văn của ông có phong cách bình dị mộc mạc, ý nghĩa khoan hậu nhân từ mà sâu sắc, và cả sự thú vị hồn nhiên như trẻ thơ, là những giai phẩm được tôn sùng trong văn học hiện đại Trung Quốc, nhiều lần được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn bậc tiểu học và trung học. Tranh của Phong Tử Khải hài hước dí dỏm, lưu truyền rộng rãi, được nhiều người yêu thích, sưu tầm. |