Ngày 14/3, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), Hội cựu chiến binh Lữ đoàn 83 Hải quân phối hợp với Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Giữa làn khói hương nghi ngút, các cựu chiến binh cùng người thân thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống.

Ký ức bi tráng của những người ngã xuống

Sự kiện Gạc Ma vào rạng sáng 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

34 năm đi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng về 64 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước.

{keywords}
Những ngày tháng 3 lịch sử, người dân luôn hướng về Gạc Ma, thành kính tri ân các chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo của đất nước. 
{keywords}
Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma 

Sáng nay, tại không gian dưới chân cầu Mân Quang ở phường Thọ Quang, nhiều người dân địa phương có mặt tại lễ tưởng niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma đã thắp hương, khấn vọng vong linh của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã ngã xuống với lòng thành kính, tri ân sâu sắc.

Đứng bên mâm cúng, anh Bùi Hoàng Vinh (ngụ huyện Hòa Vang) xúc động chia sẻ: đến ngày giỗ của các liệt sĩ, anh luôn tìm đến đây để thắp hương cho thế hệ đi trước - những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho chủ quyền biển đảo.

“Chúng tôi rất trân trọng, tự hào về các anh hùng liệt sĩ. Sự hy sinh của các anh được thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ với tấm lòng thành kính.

Tôi luôn kể cho các cháu trong gia đình nghe về sự kiện Gạc Ma, để các con không bao giờ quên những thế hệ cha ông đã lấy thân mình giữ từng “tấc đảo, sải biển” của Tổ quốc”, anh Vinh bày tỏ.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
34 năm trôi qua nhưng ký ức về những chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc vẫn luôn còn đó

Anh Nguyễn Thành Chung (ngụ quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Dự Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma đã giúp chúng tôi hiểu biết hơn về những chiến công và sự hy sinh của thế hệ đi trước. Trước sự hy sinh cao cả, anh dũng quên mình vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng ấy, bản thân tôi rất xúc động"

“Thế hệ trẻ không được phép quên ngày 14/3”

Mắt đỏ hoe thắp hương cho chồng là liệt sĩ Trần Văn Phòng cùng 63 đồng đội, Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc vẫn nhớ như in, tháng 3 năm đó, con gái đầu lòng vừa tròn 1 tuổi thì nhận được tin chồng mình hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo đá Gạc Ma. 

“Gia đình luôn truyền lại cho các thế hệ sau ghi nhớ về câu chuyện Gạc Ma, về người ông, người cha hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”, Thiếu tá Lạc bày tỏ.

{keywords}
 
{keywords}
Sự kiện Gạc Ma vào rạng sáng 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không phai mờ
{keywords}
Đại tá Nguyễn Văn Khánh nhắn nhủ với thế hệ trẻ không được phép quên ngày 14/3

Đại tá Nguyễn Văn Khánh, nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải Quân Việt Nam nhắn nhủ với thế hệ trẻ không được phép quên ngày 14/3, quên 64 chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Đại tá Khánh, hiện nay với sự bùng nổ của thông tin, các bạn trẻ phải tiếp cận thông có chọn lọc, phân biệt được đúng sai để từ đó có định hướng cho mình. Phải xác định rằng dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, điều đó là bất biến.

“Gạc Ma mãi mãi là chủ quyền của Việt Nam, nó thấm đẫm máu của các bộ chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống. Cho nên, chúng ta phải nhắc nhở nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác ghi nhớ. Tôi mong rằng các bạn trẻ tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh, biết chọn lọc để làm sao có lợi nhất cho đất nước”, Đại tá Khánh nhắn nhủ.

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma, sát hại 64 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo. Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào. “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước.

Hồ Giáp

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

“Chúng ta không thể quên và không bao giờ quên chiến công của 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma”, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 chia sẻ.