Hãng bay Việt làm ăn bết bát
Sau nhiều ngày chậm nộp báo cáo tài chính, Vietnam Airlines mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với kết quả đáng thất vọng. Cụ thể, doanh thu thuần của hãng hàng không quốc gia đạt 11.620 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm 2.685 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines cho biết kết quả sản xuất kinh doanh quý I phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ năm 2021 sang đầu năm nay dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Cùng với đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Tính đến hết ngày 31/3, Vietnam Airlines nợ hơn 66.176 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn lên tới 45.672 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn. Đáng chú ý, "ông lớn" hàng không Việt lỗ lũy kế hơn 24.575 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD); vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng.
Tương tự, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ khoảng 692 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên ngành hàng không chở khách tại Việt Nam.
Vietravel Airlines cũng chịu thiệt hại nặng nề khi các chuyến bay đến những điểm du lịch vẫn chưa khai thác hết công suất; giá xăng dầu tăng cao cũng gây nhiều áp lực lên hãng bay này. Do vậy, tính theo khoản chia lỗ trên báo cáo tài chính quý I của Vietravel, Vietravel Airlines - hãng bay thành viên của Vietravel - lỗ khoảng 137 tỷ đồng.
Điểm sáng le lói gần như duy nhất của hàng không Việt đến thời điểm này đến từ Vietjet Air, khi hãng hàng không giá rẻ ghi nhận doanh thu đạt 4.522 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 244 tỷ đồng, tăng 98%, đồng thời là mức cao nhất kể từ quý IV/2020 khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, phần lãi này chủ yếu đến từ doanh thu tài chính của doanh nghiệp. Nếu tính riêng hoạt động vận chuyển hành khách, Vietjet Air ghi nhận khoản lỗ gộp 256,8 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể nhảy vào "vẽ lại" bản đồ hàng không Việt
Trao đổi với Dân trí bên lề hội thảo về phục hồi, phát triển cho ngành hàng không mới diễn ra, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đánh giá thị trường hàng không Việt vẫn chưa phục hồi được như kỳ vọng. Ngoài các khó khăn nội tại, xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng đột biến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp… đang khiến các hãng hàng không phải gánh thêm chi phí, gặp thách thức lớn trong việc duy trì dòng tiền.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ cho tất cả hãng hàng không Việt. "Nếu chúng ta không có sự hỗ trợ cho các hãng hàng không nội địa, thì các hãng hàng không nước ngoài có nhiều nguồn lực, tiềm lực sẽ vào "vẽ lại" bản đồ hàng không Việt", ông Tuấn nói.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cũng nhìn nhận việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là điều quan trọng để các hãng hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển.
Đồng quan điểm, GS Trần Thọ Đạt, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho ngành hàng không và du lịch, với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm để vực dậy; cân nhắc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không…
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng cần chủ động có giải pháp để khắc phục, thích ứng linh hoạt.
Nhìn vào trường hợp của Vietjet Air, TS Vũ Đình Ánh chia sẻ với Dân trí rằng hoạt động chính là vận tải hàng không bị hạn chế, doanh nghiệp này đã chuyển hướng rất nhanh sang lĩnh vực tài chính, trong đó có kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Vietjet Air đã chứng minh đây là bước đi đúng đắn khi hoạt động tài chính giúp doanh nghiệp báo lãi 244 tỷ đồng.
"Các hãng hàng không nên đa dạng hóa hoạt động để giúp tổng thể có nền tảng tài chính vững chắc, thay vì chỉ tập trung vào vận tải hàng không", ông Ánh nói.
Theo Hiệp hội Hàng không Việt Nam, trong khoảng 5 năm tới, sự phục hồi và sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam vẫn chịu "lực cản" từ hàng loạt yếu tố như tác động từ diễn biến dịch Covid-19 và mức độ kiểm soát; sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước; năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không; mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên toàn cầu; tác động từ các chính sách của Nhà nước.
(Theo Dân Trí)