Vào thời điểm 2012, trung bình cứ 3 ngày lại có 1 game mới ra đời. Còn số ấy thậm chí còn được tăng lên gấp đôi vào thời điểm 2013, bao gồm cả việc phát hành game không phép, phát hành game lậu, mở server private hay thậm chí cả những game trái phép khác.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại các nhà phát hành nhỏ, thường đi “cửa ngách” để lách luật như những người trong ngành thường nói đến, mà còn có cả những nhà phát hành nước ngoài, và thậm chí cả những nhà phát hành lớn trong nước.

Quảng cáo phản cảm của Lemon Game, một nhà phát hành Trung Quốc đã bị dừng hoạt động

Có thể kể tới một vài chuyện xảy ra gần đây để minh chứng, như việc Tiếu Ngạo Giang Hồ 3D đang tạo tiếng vang, được cộng đồng mong đợi khi có tin đã cập bến về Việt Nam, thì Soha đã nhanh chóng phát hành Tiếu ngạo giang hồ Mobile để dựa theo dòng tin tức ấy. Hay việc webgame lậu MU Returns rục rịch ra mắt, đã ngay lập tức bị đơn vị chủ quản của MU Online tại Việt Nam là FPT đâm đơn kiện nhanh chóng biến mất đầy “bí ẩn” -  không kém như khi xuất hiện.

MU Returns – webgame nhái MU Online đã bị khởi kiện tại Việt Nam

Nếu như mọi người còn nhớ, vào thời điểm 2011 – khi bom tấn Dota 2 vừa có những thông tin đầu tiên, thì ở Việt Nam, website Dota2.vn đã xuất hiện nhưng ngay sau đó được trỏ về trang lienminhhuyenthoai.vn – tức tựa game League of Legends khi đó sắp được phát hành bản tiếng Việt. Sự việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Dota2, khi họ cho rằng đây là hành động ăn cắp trắng trợn thương hiệu, cũng như sử dụng trái phép tên tuổi Dota 2 của Valve vào quảng bá cho LOL.

Nhưng có vẻ Garena – cơ quan chủ quản của LOL ở Việt Nam thấy việc “trộm long tráo phụng” này rất thú vị, khi vào vài ngày trước, họ lại tiếp tục mua luôn cả tên miền dota3.vn và biến nó thành website quảng cáo cho update mới của Heroes of Newerth – một game Moba khác cũng do Garena, giờ là VED, phát hành tại Việt Nam.

Có lẽ fanboy của 2 tựa game này ở Việt nam đã không “kỵ” nhau đến thế

Trong những tuần gần đây, một vài trang tin game uy tín đã đang tải thông tin về việc Giang hồ ký  - webgame 2D của Dovo sắp được phát hành bởi VTC Game tại Việt Nam. Nhà phát hành lâu năm VTC cũng đã khẳng định việc này bằng cách tung trang teaser site tại địa chỉ chính thức http://ghk.vtcgame.vn/teaser

Hình ảnh trang teaser chính thức của Giang hồ ký VTC Game

Câu truyện sẽ hết sức đơn giản như mọi tựa game khác được phát hành, nhưng đã có “biến” xảy ra đối với tựa game này của VTC Game. Cụ thể, ngay từ khi thông tin về Giang hồ ký được xuất hiện trên mạng nhưng VTC chưa công bố chính thức tựa game của mình, thì ngay lập tức một webgame khác đã “ăn trộm” tên tuổi của Giang hồ ký của VTC Game.

Cụ thể, đã có một nhà phát hành lậu giấu tên xây dựng hệ thống trang chủ, fanpage, quảng cáo và ra mắt game một cách chóng vánh vào ngày 19/05. Khi tìm kiếm trên google, một số từ khóa như “webgame” hay “giang ho ky” đã cho ra kết quả của nhà phát hành này. Đồng thời, quảng cáo của Giang hồ ký “phiên bản nhái” đã xuất hiện ở Facebook và cả một số website khác, với hình ảnh cóp nhặt của nhiều game khác nhau.

Webgame lậu này còn sử dụng của slogan Hồi ức Võ Lâm trong quá trình quảng cáo

Ở trang chủ tựa game này, nhân vật quen thuộc của Thần Long Huyết Kiếm (đã từng được phát hành bởi VTC Game) cũng xuất hiện, cùng với vài dòng giới thiệu không thể đơn giản hơn: Phát hành bởi cộng đồng yêu game Giang Hồ Ký. Khi vào game, hình ảnh cho thấy tựa game này rất giống Vương Giả Vô Song, một tựa game lậu khác cũng không rõ nhà phát hành.

Hình ảnh quen thuộc chứng tỏ Giang hồ ký lậu chỉ là 1 tựa game Trung Quốc làm lại dưới tên mới

Trước tình hình này, nhà phát hành VTC Game tỏ ra bức xúc khi tựa game của mình bị ăn cắp tên tuổi một cách trắng trợn. VTC Game đang liên lạc với C50Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao để điều tra vụ việc này.

Các thông tin về sự việc Giang hồ ký của VTC Game tìm kiếm tên “chính chủ” sẽ được gửi tới trong vài ngày tới.

Q7