Kể từ nhiều tháng nay, tổ chức cảnh sát châu Âu Europol và NCIS, Cục điều tra hải quân Mỹ đã nhận được không ít những lời kêu cứu về tình trạng sử dụng malware để chiếm đoạt tài sản cũng như hack máy tính của nhiều người. Dĩ nhiên bên cạnh những tài khoản ngân hàng có giá trị, thì những hacker cũng không bỏ qua những món đồ ảo đắt tiền trong những game như CS:GO chẳng hạn.

 

Sau một cuộc điều tra, một số kẻ lừa đảo đã bị bắt tại Romania, Pháp và Na Uy. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể tới một nam thanh niên 17 tuổi đang sống tại Bamble, hạt Telemark, Na Uy cũng đang vướng phải vòng lao lý vì tội dùng phần mềm độc hại ăn cắp tài khoản Steam cũng như những món vật phẩm ảo trong CS:GO.

"Cậu bé bị bắt tại nhà riêng vào thứ 5 tuần trước. Trong bản cáo trạng, cậu bị buộc tội sử dụng RAT, một trojan cho phép hacker điều khiển máy tính từ xa. Chúng tôi tin rằng cậu đã sử dụng phần mềm này để truy cập và ăn cắp những món đồ ảo trong game mà cậu bé đang sở hữu," giám đốc cảnh sát thị trấn Bamble cho biết.

Nam thanh niên 17 tuổi này chưa hề có tiền án tiền sự, và đã rất nhanh chóng nhận tội.

Cảnh sát trưởng Bamble cho hay, nam game thủ này đã bán lại một vài món đồ ảo ăn cắp được từ những chủ sở hữu trước đây. Khoản tiền không lớn, chỉ vài trăm NOK (krone Na Uy) nhưng vẫn đủ để cậu bị truy tố tội danh ăn cắp. "Đây là một vụ việc nghiêm trọng, vì chàng thanh niên này đã xâm phạm vào tài sản riêng của nhiều người khác. Với tội danh này, cậu có thể phải ngồi nhiều nhất là 2 năm. Bên cạnh đó việc cấm sử dụng máy tính cũng là điều khó có thể tránh khỏi."

 

Chàng thanh niên kể trên là 1 trong số 5 người Na Uy bị bắt tuần trước. Đây là kết quả của một chiến dịch lớn được cảnh sát châu Âu triển khai. Được biết, độ tuổi của những hacker bị bắt tại Na Uy vẫn còn rất trẻ, chỉ dao động từ 16 đến 24 tuổi.

Tại Việt Nam, tình trang scam hoặc hack đồ ảo của những game thủ DOTA 2 cũng như CS:GO cũng không hề thua kém, và thậm chí có cả những game thủ được nhiều người biết đến nhưng cũng chẳng ngần ngại gì sử dụng những chiêu trò để lừa đảo ăn cắp tài khoản của người chơi khác. Hầu hết game thủ Việt đều bị mắc bẫy khi lỡ tay click vào một đường link có mã độc, thường được làm giống như trang Profile của Steam nhưng với đường dẫn hoàn toàn khác biệt. Khi click vào trang này, họ sẽ phải đăng nhập và thông qua đó, kẻ gian có thể lấy được tài khoản của họ.

 

Theo Trí Thức Trẻ