Chịu chi nhất Đông Nam Á
Số liệu khảo sát của một nhà nghiên cứu người Singapore tổng quan về thị trường game online của các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có lượng game thủ nạp tiền vào game online nhiều nhất trong khu vực.
Cụ thể, doanh thu của ngành game online Việt trên PC trong năm 2012 đạt mức 219,6 triệu USD (khoảng 4600 tỷ VNĐ) và 253 triệu USD năm 2013 (khoảng 5300 tỷ VNĐ), cao nhất trong cả khu vực Đông Nam Á.
Bảng so sánh số liệu còn cho thấy, doanh thu từ game ở Việt Nam còn cao hơn gấp đôi so với nước đứng thứ 2 là Thái Lan (133 triệu USD trong năm 2012 và 158,1 triệu USD trong năm 2013), kế đó là Indonesia, Malaysia...
Một khảo sát khác cho thấy, mỗi game thủ Việt chi ra từ 300 - 400 ngàn đồng một tháng cho tựa game mình đang theo đuổi.
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, hàng loạt ngành công nghiệp khác đang phải chịu tổn thất nặng nề thì ngành game vẫn ăn nên làm ra với với tốc độ tăng trưởng nhanh, lượng khách hàng dồi dào. Hiện thị trường game có khoảng 7500 lao động trực tiếp, phục vụ cho khoảng 20 triệu khách hàng (cả online và trên mobile).
… và mất trắng khi đóng cửa game
Anh Vũ, cựu SMOD diễn đàn game cho biết, đầu tư tài khoản game cả tỷ đồng nhưng khi game đóng cửa thì người chơi cũng mất trắng vì không có bất cứ điều khoản nào bảo vệ quyền lợi người dùng.
Quyền lợi của game thủ khi đóng cửa game chỉ được nhắc tới trong một điều khoản duy nhất của Thông tư Liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA: Khi ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, doanh nghiệp phải thông báo trước 3 tháng và có trách nhiệm đảm bảo quyên lợi của game thủ. Tuy nhiên việc đảm bảo quyền lợi như thế nào thì không hề được nhắc tới.
Chính vì vậy, các nhà phát hành thường bỏ qua các cam kết về quyền lợi game thủ hoặc đền bù bằng cách buộc game thủ phải chơi game khác của mình, nếu như họ muốn số tiền mặt mình nạp vào trong game còn sử dụng được.
“Game thủ Việt vẫn còn ngây thơ lắm. Với tâm lý ‘thôi kệ, có chơi là được’ họ như đàn cừu non bị nhà phát hành chăn dắt. Trong khi đó, thông tin về thị trường game vẫn chủ yếu là thông tin một chiều, hoặc là đưa những nội dung chạy theo thị hiếu, tư vấn chơi hoặc là thông tin định kiến về game thủ. Đang thiếu hẳn mảng thông tin định hướng cho người chơi, chỉ ra cho xã hội thấy các mặt tốt - xấu của game để thay đổi lại những định kiến có sẵn và quan trọng nhất là tư vấn, bảo vệ quyền lợi người chơi”, anh Vũ nói.
Bảo vệ quyền lợi của game thủ Việt bằng thông tin
Trả lời câu hỏi: Bảo vệ quyền lợi người chơi game bằng cách nào? Anh Vũ cho rằng: “Tự thân game thủ không thể làm ‘đối trọng’ với nhà phát hành, họ cần một bên thứ 3 đủ quyền lực đứng ra bảo vệ người chơi”.
Anh Vũ phân tích, để cân bằng về mặt quyền lực, game thủ cần một hiệp hội đại diện, đứng ra góp ý để nhà nước thay đổi các điều luật về bảo vệ người chơi; phát ngôn khi các game thủ vẫn bị hiểu nhầm bởi định kiến; xây dựng một hình ảnh mới có trách nhiệm cho cộng đồng game thủ và kiến nghị với nhà phát hành khi quyền lợi của game thủ bị xâm hại.
Trước nay, các trang tin, các diễn đàn game đều đưa thông tin đứng từ góc độ nhà phát hành. Nên để cân bằng về mặt thông tin, game thủ cần những địa chỉ ‘nói hộ tiếng lòng’. Tức là nơi đó phải viết về những gì game thủ muốn, viết về những điều tốt cho game thủ, định hướng dư luận, bảo vệ Game thủ một cách tích cực hoặc lên án những biểu hiện tiêu cực liên quan đến game, nhằm mục đích trong sạch và lành mạnh hóa thị trường game ở Việt Nam.
Nắm bắt được nhu cầu này của các game thủ, VietNamNet vừa ra mắt trang www.gamesao.vn với mục tiêu cốt lõi xây dựng một cộng đồng game thủ lành mạnh.
BTV Tuyết Minh, phụ trách trang GameSao cho biết, mục đích của GameSao là tạo ra một sân chơi cung cấp thông tin, giải trí và công bằng với game thủ. GameSao không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin về game của người chơi mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
“Chúng tôi sẽ tích cực đấu tranh với những hành vi tiêu cực trong game (hack, cheat, cư xử thiếu văn hóa…); đấu tranh với các nhà phát hành tham lam, chạy theo lợi nhuận, bỏ qua quyền lợi người chơi; đấu tranh với các tựa game thiếu tính giáo dục, cổ súy hoặc châm ngòi cho các lối sống thiếu văn hóa… Đây cũng là đặc trưng khác biệt của GameSao với các trang tin khác”, BTV Tuyết Minh nhấn mạnh.
Theo 2Sao