Cuộc đình công bùng phát vào ngày 14/11, thu hút sự tham gia của gần 48.000 người, bao gồm trợ giảng, các nhà nghiên cứu và nhân viên học thuật làm việc tại 10 cơ sở của Đại học California.
Đây được coi là một trong những cuộc đình công giáo dục lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Giọt nước tràn ly"
Những người đình công cho rằng hệ thống ĐH California không hỗ trợ lực lượng lao động, làm suy giảm chất lượng nghiên cứu và giáo dục, lương nhà trường trả không tương thích với chi phí sinh hoạt, và điều kiện làm việc không công bằng.
Diễn ra trong bối cảnh làn sóng đấu tranh đòi tăng lương của công đoàn đang diễn ra ở nhiều nơi tại Mỹ, cuộc đình công này có thể trở thành một bước ngoặt đối với những sinh viên vừa mới tốt nghiệp - những người vốn được trả lương thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Đặc biệt ở California, người đi làm phải "vật lộn" để sống đủ với đồng lương ít ỏi. Theo New York Times, các khu học xá của ĐH này thuộc hạng đắt đỏ nhất nước Mỹ
Anoop Praturu, nghiên cứu sinh năm thứ 3 ngành Vật lý sinh học, cho biết anh không đủ tiền để thuê các căn hộ "giá trên trời" ở gần khuôn viên trường.
Trong nhiều tháng, Praturu đã phải ngủ trên ghế sofa nhà bạn hoặc trong xe của mình trước khi tìm được một nơi ở với giá 1.200 USD/tháng, cách trường gần 25km. Anh cho biết tiền lương 2.300 USD/tháng chỉ vừa đủ trang trải tiền thuê nhà, thức ăn và xăng dầu.
Ở một khía cạnh khác, cuộc đình công kéo dài từ giữa tháng 11 đã khiến việc học tập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lớp học bị hủy hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, các hoạt động nghiên cứu bị đình trệ. Khoảng 230.000 sinh viên bị ảnh hưởng, theo NBC.
Nhà trường phải điều chỉnh cấu trúc đề thi cuối kỳ, đồng thời lùi ngày thi, thời hạn nộp tiểu luận do các trợ giảng đình công nên không có nhân lực để chấm điểm.
Giải pháp thỏa hiệp
Trong một tuyên bố, ĐH Canifornia cho biết trường luôn “công nhận những đóng góp quan trọng và được đánh giá cao của những nhân viên này” với mức lương và phúc lợi công bằng, cũng như một môi trường làm việc hỗ trợ và tôn trọng.
Trường cam kết “sẽ đặt thang lương của sinh viên mới tốt nghiệp và nhân viên học thuật ngang bằng với các trường ĐH công lập lớn và các trường tư thục hàng đầu”.
Theo diễn biến mới nhất được New York Times đưa tin, ĐH California đã đạt được thỏa thuận một phần với 12.000 nhân viên đình công.
Theo đó, trường dự kiến tăng lương và bổ sung các phúc lợi như 8 tuần nghỉ phép trả lương đầy đủ cho các nhà nghiên cứu, tăng lương khoảng 20% cho nhân viên là nghiên cứu sinh kể từ mùa thu tới.
Đổi lại, những người đã đạt được thỏa thuận phải quay lại làm việc vào ngày 12/12.
Tuy nhiên, họ vẫn từ chối trở lại làm việc, khẳng định cuộc đình công vẫn tiếp diễn cho đến khi 36.000 nhân viên học thuật còn lại cũng được tăng lương.
Bảo Huy