Nhũng nhiễu tăng vọt
Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, công ty ông phải tiếp các đoàn thanh tra khá thường xuyên. Mà trong mỗi lần kiểm tra thì y như rằng, họ yêu cầu, xét nét đủ thứ, không có “phong bao” thì không được. Có cán bộ còn chủ động xin số zalo để kết nối dễ, mỗi lần "có việc" là họ lại chủ động liên hệ “xin”.
Đây chính là hành vi nhũng nhiễu, hay nói chính xác là tham nhũng vặt, của những người có chức vụ, quyền hạn, nhằm vụ lợi từ doanh nghiệp. Những hành vi này đã diễn ra từ lâu và diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, thậm chí gần như trở thành thông lệ, thói quen, của không ít cán bộ hiện nay.
Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua.
Từ những nhũng nhiễu này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi phí “bôi trơn” hoặc phí “không chính thức” với những dịch vụ công thiết yếu hay các nghiệp vụ về quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế...
Báo cáo PCI cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.
Có quan điểm cho rằng, những khoản “bôi trơn” nhỏ này không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của doanh nghiệp, nhưng nhiều nghiên cứu chứng minh ngược lại. Mặc dù có giá trị không lớn nhưng tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại các khoản này sẽ trở thành chi phí đáng kể. Chi phí này sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm, đẩy giá bán lên, hậu quả là giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Nó còn làm phát sinh thêm những chi phí khác. Chẳng hạn, để hợp pháp hóa chi phí không chính thức, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm tiền, dẫn đến hiện tượng gian dối trong kinh doanh như: buôn bán hóa đơn; báo cáo tài chính, thuế không trung thực.
Tình trạng nhũng nhiễu tăng còn tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý, làm chậm, làm sai lệch các quy trình, thủ tục, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của Chính phủ. Khiến cho những thành quả đạt được ở lĩnh vực quản trị và hành chính công nhiều năm qua trở nên vô nghĩa, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia.
Thiếu công khai, minh bạch
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, chất lượng của hệ thống thể chế, quy định pháp luật là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Chính hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được, đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu doanh nghiệp. Cùng với đó là thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng địa vị của cán bộ giao nhiệm vụ để sách nhiễu.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ đồng lương bèo bọt của công chức hay viên chức nhà nước. Nhìn vào mức lương và đãi ngộ hiện nay khó sống được.
Để thực hiện hành vi “bóp nặn” những chiếc phong bì, các công chức, viên chức ngày nay có vẻ đã thành thạo trong việc "mê cung hóa" những quy trình xử lý. Doanh nghiệp dù muốn hay không đều phải tham gia vào quy trình này để được việc.
Hiện tượng nhũng nhiễu diễn ra tràn lan cho thấy, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại và cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Theo đó, đến năm 2030 nhất thiết phải giảm dần và triệt tiêu tình trạng cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ khi giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều, việc giảm thiểu nhũng nhiễu vẫn là một “hành trình dài” đối với chính quyền.
Để triệt tiêu sự nhũng nhiễu, cần hình thành cơ chế ngăn chặn, với những tiêu chuẩn về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được đặt lên đầu. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, và xây dựng bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy.
Các cơ quan cần công khai minh bạch mọi thủ tục, sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động. Thực tế cho thấy, những nhóm thủ tục hành chính nào có sự tiến bộ đáng kể các năm qua đều nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện trên môi trường điện tử. Nhiều thủ tục nay đã nhanh và minh bạch hơn rất nhiều, không phải bởi con người thay đổi, mà bởi công nghệ đã thay thế con người.
Và tất nhiên, cần phải tăng lương cho cán bộ, công chức để họ có thể sống được bằng lương.
Trần Thủy