Bất cập và lỗi thời
Tại nghị trường Quốc hội vừa qua đã “nóng” lên với những đề nghị cần sửa ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ tháng 7/2020, đã không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.
Dẫn ra con số các chi phí đã tăng từ 20%-30% từ sau dịch do giá cả hàng hóa, tiêu dùng tăng, trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm, đại biểu Mai khẳng định: “Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản”.
Những nhận định của đại biểu là rất phù hợp với mong muốn của dân và thực tiễn hiện nay.
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, được Quốc hội ban hành ngày 22/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Kể từ đó đến nay, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân mới được điều chỉnh đúng một lần, từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2020.
Nói về Luật Thuế thu nhập cá nhân nhiều người không khỏi ngao ngán, bởi những quy định bất cập và lỗi thời.
Mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời, lại không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Trong khi mức lương tối thiểu chia theo 4 vùng trên cả nước, chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại cào bằng, áp dụng chung, không phân biệt vùng miền.
Nhiều chi phí như: mua bảo hiểm nhân thọ, mua bảo hiểm sức khỏe, khám chữa bệnh, giáo dục… do người lao động tự chi trả, không được đưa vào danh sách các khoản giảm trừ trước tính thuế thu nhập cá nhân.
Trong 10 năm, tính từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng, nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh có một lần.
Vào đầu năm 2018, trong văn bản lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đã thừa nhận một số quy định trong luật, gây bất lợi cho người nộp thuế.
Không thể chờ đợi
Từ cuối năm 2022 cử tri một số địa phương đã có kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế.
Trải qua đại dịch Covid, cuộc sống gặp nhiều khó khăn và người dân đã phải "gồng" mình, thắt lưng buộc bụng. Bước sang năm 2023, nền kinh tế lại tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giảm hoạt động, cắt giảm lao động, giảm lương… làm cho đời sống người lao động thêm chật vật. Với nhiều gia đình, thu nhập đã không đủ trang trải, lại phải dành một khoản để nộp thuế khiến cuộc sống khốn khó hơn. Mấu chốt trong Luật Thuế thu nhập cá nhân mà người dân mong chờ điều chỉnh nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh.
Trong hoàn cảnh hiện nay, cần khoan sức dân, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, chưa phải là giải pháp đột phá. Bởi giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng chỉ được hưởng khi mua hàng hóa ở những nơi có hóa đơn.
Trong khi đó, giảm thuế thu nhập cá nhân, người được giảm thuế chắc chắn sẽ hưởng lợi, hiệu quả hơn cả giảm thuế giá trị gia tăng. Nó không chỉ giảm bớt khó khăn cho người dân mà còn giải quyết những bất hợp lý của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc cho biết, trong chương trình làm luật của Quốc hội tới đây có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị và thực hiện, dự kiến trong nhiệm kỳ này. Như vậy có thể hiểu, Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa thể sửa ngay như nhiều người kỳ vọng.
Đây là tin không vui với hàng triệu người nộp thuế. Họ không thể chờ đợi và không hiểu tại sao việc khắc phục các bất hợp lý của Luật Thuế thu nhập cá nhân lại chậm chạp và khó khăn đến thế?
Trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần vào cuộc ngay lập tức để giải quyết vấn đề. Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế, tạm thời điều chỉnh biểu thuế thu nhập, để hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn.
Bộ Tài chính cần gấp rút đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân thay vì bắt người dân phải chờ đợi thêm vài năm nữa.
Nên thiết kế lại Luật Thuế thu nhập cá nhân, bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Dùng thuế thu nhập cá nhân để điều tiết thu nhập trong xã hội thay vì hướng tới việc tăng thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, các mức thuế cần phải phù hợp với người nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh cần có căn cứ tính toán cụ thể, rõ ràng, dựa trên các con số về thu nhập bình quân đầu người, nguồn dữ liệu và phương pháp tính. Từ đó, xây dựng công thức tính cụ thể và cơ chế điều chỉnh kịp thời phù hợp với diễn biến thực tế.
Nền kinh tế hiện nay chỉ còn dựa vào sức mua của dân vì các động lực như công nghiệp, nông nghiệp đều tăng trưởng âm và không tăng trưởng. Khoan thư sức dân chính là vun đắp trụ đỡ này.
Trần Thủy