Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản vừa qua, ngay sau khi đến Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt thân tình với bà con kiều bào tại Nhật Bản.
Mong muốn khởi nghiệp tại Nhật Bản
Báo cáo Thủ tướng về tình hình của bà con kiều bào tại đây, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết "ở đâu trên nước Nhật này có người Việt thì ở đó có hội đoàn. Các hội đoàn ấy ngày càng phát triển". Bà con luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn đóng góp qua nhiều hình thức khác nhau.
Ông Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật Ngữ tại Fukuoka cho biết, hiện nay cộng đồng người Việt ở đây đang triển khai 2 dự án lớn trong năm nay. Đó là chương trình tổ chức dạy tiếng Việt cho các bạn F1, thế hệ thứ 2 được sinh ra và lớn lên tại Nhật, trong đó đã mời một số chuyên gia ở các trường đại học Việt Nam sang giảng dạy.
Nhấn mạnh thông tin cứ 1 tháng có khoảng 10 doanh nghiệp người Việt được thành lập tại Fukuoka, ông Nguyễn Duy Anh kiến nghị Tổng Lãnh sự Fukuoka về việc có một phố Việt Nam đầu tiên tại đây.
“Đó là mong ước của cộng đồng, mong muốn Thủ tướng, các bộ ngành giúp đỡ và đồng hành trong dự án này”, ông Nguyễn Duy Anh nói.
Bà Nguyễn Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thế hệ trẻ Việt Nam quan tâm tới phát triển khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh mà còn là công cụ gắn kết cộng đồng.
Bản thân bà Huyền và nhiều bạn trẻ trong hội sau thời gian học tập, tích lũy kinh nghiệm tại Nhật Bản cũng quyết tâm làm gì đó cho đất nước nên dấn thân lập doanh nghiệp tại Nhật Bản.
Hội ra đời với mục tiêu hỗ trợ các vấn đề về tài chính, luật pháp, mạng lưới quan hệ và văn hóa đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt tại Nhật.
Bà Huyền cho biết, tới đây hội sẽ kết nối các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nên mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm để những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.
“Mong Thủ tướng trong các cuộc gặp với lãnh đạo nước sở tại sẽ đề xuất họ tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật”, bà Huyền nhắn nhủ.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Hiệp hội Thương mại Nhật - Việt tại Osaka cũng mong có thêm nhiều chương trình văn hóa, festival Việt Nam tại Nhật Bản để giúp người dân hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.
Ngoài ra, ông mong Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức khi về nước góp sức cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo môi trường để kiều bào cống hiến là trách nhiệm của Chính phủ
Bày tỏ xúc động khi nghe những lời tâm huyết của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, người Việt đến Nhật nghiên cứu, lao động, học tập ngày càng nhiều. “Tôi nhớ cách đây 10 năm người Việt Nam tại Nhật Bản còn rất ít, nhưng 10 năm qua đã phát triển lên gần 500.000 người ở Nhật trong tổng số 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài (chiếm gần 1/10)", Thủ tướng dẫn chứng.
Khái quát lại quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng nhắc đến việc Nhật Bản giúp Việt Nam xây dựng phố cổ Hội An và trở thành di sản thế giới. Đó là giao lưu văn hóa, kinh tế đầu tiên giữa hai nước, cho thấy duyên nợ giữa hai dân tộc bắt nguồn từ lâu rồi.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối lương duyên giữa hai nước dù có biến động qua từng thời kỳ, song có lẽ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.
Từ khi Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức đến nay hơn 1 năm nhưng Thủ tướng hai nước đã gặp nhau 6 lần và "lần nào cũng đầy ắp những công việc phải bàn, lúc nào cũng thấy cần gặp nhau để bàn công việc".
Các cuộc gặp gần đây đi thẳng vào những vấn đề, chương trình hợp tác, các dự án, trong đó có vấn đề cộng đồng kiều bào. Hiện hai bên đang nghiên cứu xem nâng cấp quan hệ như thế nào cho phù hợp.
“Quan trọng nhất là các thế hệ lãnh đạo hai bên tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, không giới hạn không gian và thời gian”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng thông tin, hiện nay Nhật Bản là đối tác ODA lớn nhất của Việt Nam, đối tác lớn thứ 2 về lao động, thứ 3 về đầu tư, thứ 4 về thương mại. Điều đó khẳng định tầm quan trọng, vai trò, vị trí trong quan hệ của hai nước.
Theo Thủ tướng, khi quan hệ hai nước tốt đẹp thì công dân 2 nước có điều kiện làm ăn sinh sống, giao lưu tốt hơn.
“Đất lành chim đậu, các cụ nhà ta nói rồi. Quan niệm trước đây về nước mới là yêu nước nhưng bây giờ ở đâu mà có cống hiến cho quê hương, đất nước thì cũng đều là yêu nước cả”, Thủ tướng nói với bà con kiều bào.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước ta luôn xem cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục phát triển và đóng góp cho đất nước.
Ngược lại, cộng đồng kiều bào cũng cần có trách nhiệm luôn nuôi dưỡng, bồi đắp cho các thế hệ về lòng yêu nước, thương dân, nguyện vọng mong muốn đóng góp, cống hiến cho đất nước; dù đi đâu, ở đâu cũng luôn luôn hướng về quê hương, đất nước.
Khái quát lại tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết, đến năm 1986 Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, nền kinh tế chỉ 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người chỉ 100 USD. Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế 409 tỷ USD, có 15 Hiệp định Thương mại tự do - FTA, có quan hệ thương mại với hơn 60 nước trên thế giới, kim ngạch hai chiều xuất, nhập khẩu cao gần gấp đôi, GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD.
Thủ tướng bày tỏ tự hào khi thương hiệu quốc gia năm 2022 đạt 431 tỷ USD, có tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới trong 3 năm qua. Liên Hợp Quốc xếp Việt Nam tăng 12 bậc về chỉ số hạnh phúc. Uy tín, vị thế đất nước được nâng lên mà điển hình là Hội nghị G7 mở rộng lần này, Nhật Bản mời 2 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
“Điều đó cho thấy vị thế đất nước chúng ta nâng lên. Trước đây bị bao vây cấm vận, giờ vươn lên cùng trao đổi bình đẳng với tất cả các nước lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi vào các kiến nghị cụ thể của kiều bào, Thủ tướng hoan nghênh bà con đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp.
“Làm sao để anh chị em có môi trường làm việc cống hiến tốt nhất. Đây là trách nhiệm của Chính phủ”, Thủ tướng nói. Đồng thời, Thủ tướng chia sẻ, trong các cuộc làm việc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, ông luôn đề nghị tạo điều kiện cho bà con kiều bào làm ăn, sinh sống hợp pháp.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi bà con cộng đồng người Việt thành lập liên hiệp hội người Việt Nam ở Nhật Bản để "lúc tắt lửa tối đèn có địa chỉ chia sẻ”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Đại Sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem bà con kiều bào như người thân, ruột thịt trong gia đình để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi công dân.
“Bà con cũng coi sứ quán là nhà, cán bộ sứ quán như anh em trong nhà, như thế mới xử lý được, mới 'bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn'", Thủ tướng nhắn nhủ.