Thế giới thiếu hụt nhân lực AI và cơ hội cho Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là một ngành công nghệ mới nổi mà đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất.
Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tập đoàn công nghệ lớn như NVIDIA, Microsoft, Google, Meta đều coi AI là mũi nhọn chiến lược cho tương lai. Điều này đã tạo nên một cơn sốt nhân lực AI, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế chip, y tế và giáo dục.
“NVIDIA, Microsoft, Google, Meta, Qualcomm,... đều định hướng ứng dụng AI để phát triển công nghệ đang có, cũng như phát triển các thiết bị ứng dụng AI. Xu hướng hiện nay là ứng dụng AI để làm các công việc khác, ví dụ như thiết kế chip. Ứng dụng AI trong y tế, giáo dục thời gian qua cũng rất phổ biến”, TS. Võ Xuân Hoài chia sẻ.
Bình luận về nhu cầu nhân lực AI, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cho hay trong khoảng 2 năm nay, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang quan tâm đến Việt Nam do nước ta sở hữu lực lượng lao động, trí thức, kỹ sư có khả năng ứng dụng AI tốt.
“Trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan với sự tham gia sâu rộng, chặt chẽ của các tập đoàn công nghệ lớn ở thị trường Việt Nam”, TS. Võ Xuân Hoài nói.
Sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với nhân lực AI cũng đang tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ CMC, nhận định thị trường AI ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng nhưng đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
TS. Đặng Minh Tuấn cho biết: “AI đang là một ngành 'hot' nên rất nhiều doanh nghiệp cần. Bản thân AI cũng rộng, ví dụ như xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dữ liệu tri thức,... mỗi mảng cần tới những kỹ năng khác nhau. Nhu cầu nhân lực AI trên thế giới hiện rất cao, xu hướng ứng dụng AI cũng rất nhiều nhưng thị trường lại đang thiếu”.
Việt Nam nên có khoa AI chuyên biệt tại các trường đại học
Tại Việt Nam, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó nêu rõ vấn đề nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo về AI. Điều này cho thấy, Việt Nam đã nắm bắt được và đang tìm cách đón đầu về xu hướng AI.
Chia sẻ với PV VietNamNet về câu chuyện đào tạo nhân lực AI, TS. Võ Xuân Hoài cho rằng bản thân trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực công nghệ, với nền tảng là toán học và các ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực AI thuận lợi hơn rất nhiều các ngành khác.
Để đào tạo nhân lực về chip bán dẫn, phải có hệ thống thiết bị thực hành, đào tạo về cơ khí phải có máy móc. Nhưng với trí tuệ nhân tạo, việc chuẩn bị nguồn nhân lực AI hoàn toàn có thể thực hiện thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. Chính vì thế, việc nhân rộng và lan tỏa AI sẽ rất nhanh.
“Nền tảng của các bạn trẻ Việt Nam hiện khá tốt. Để ứng dụng thêm AI, chỉ cần đào tạo ngắn hạn 3 đến 6 tháng là hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay của thị trường”, TS. Võ Xuân Hoài nhận định.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hiện đang phối hợp với Google để cung cấp 40.000 suất học bổng đào tạo trực tuyến mỗi năm, trong đó có đào tạo về AI theo chương trình chuẩn với chứng chỉ do Google cấp. Sắp tới, NIC sẽ kết hợp với Qualcomm để có thêm những khóa đào tạo trực tuyến như vậy.
Với sự hợp tác này, hàng nghìn sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận những chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Đây là bước đi đầy triển vọng nhằm giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực AI.
Một bước tiến quan trọng khác là việc thành lập các khoa AI chuyên biệt tại các trường đại học.
Nhân sự làm về AI thường được giảng dạy tại các khoa Công nghệ thông tin hoặc Khoa học máy tính, nhưng sự ra đời của khoa Trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) là một dấu hiệu tích cực.
Theo TS. Võ Xuân Hoài, sự tiên phong của PTIT có thể là cú hích để các trường đại học khác cũng nhanh chóng theo kịp và mở rộng đào tạo về AI.
Bình luận về câu chuyện này, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng nhân lực làm về AI tại Việt Nam chủ yếu đến từ 2 nguồn chính: Đào tạo đại học và đào tạo ngắn hạn qua các khóa học chuyển đổi từ những chuyên ngành gần.
Sự xuất hiện của khoa trí tuệ nhân tạo trong các trường đại học sẽ là một tín hiệu tốt, bởi nó sẽ giúp việc đào tạo AI được chuyên biệt và tập trung hơn.
“Thậm chí, CMC còn muốn hình thành đại học AI. Đại học AI ở đây không chỉ dạy về AI mà còn ứng dụng AI trong giáo dục đào tạo”, TS Đặng Minh Tuấn nói.
Trong bối cảnh AI đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Với những chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong đào tạo nhân lực AI, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thế giới. Bây giờ là lúc cần hành động, để không bỏ lỡ cơ hội vàng này.