Tham vọng của Elon Musk với Twitter và ngành truyền thông xã hội
Việc tỷ phú Elon Musk đưa ra đề nghị mua lại Twitter được xem như một quyết định khá bất ngờ xét trên góc độ kinh doanh. Công ty này không phải một tên tuổi quá lớn trong lĩnh vực mạng xã hội tại Mỹ và thế giới, với lượng người dùng thường xuyên hàng ngày (DAU) chỉ khoảng gần 200 triệu. Để so sánh, cái tên lớn nhất là Facebook có lượng người dùng hàng ngày (DAU) lên tới 1,93 tỷ. Trong quý trước, doanh thu từ quảng cáo - nguồn thu chính của Twitter cũng chỉ bằng 1/5 so với nền tảng video Youtube của Google.
Twitter có lượng người dùng thường xuyên khá thấp so với các mạng xã hội lớn khác (Nguồn: Oberlo)
Bản thân vị tỷ phú giàu nhất thế giới cũng thừa nhận kiếm tiền không phải mục tiêu chủ yếu của mình với thương vụ này. Trong lời đề nghị gửi đến Hội đồng quản trị Twitter, ông Elon Musk cho biết: "Tôi đầu tư vào Twitter vì tin tưởng ở tiềm năng của nó để trở thành một nền tảng tự do ngôn luận mang tính toàn cầu… Tôi nhận ra rằng công ty sẽ không thể phát triển và phục vụ cho mục tiêu này với cơ cấu hiện nay. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân".
Phát biểu trong hội nghị TED2022 tại Vancouver, ông Musk cũng nhắc lại các luận điểm của mình: "Trực giác mạnh mẽ của tôi tin rằng một nền tảng cộng đồng với sự tin tưởng tối đa và tính bao trùm cao là đặc biệt quan trọng với tương lai nền văn minh của chúng ta".
Về tầm nhìn của mình nếu thâu tóm thành công Twitter, CEO của Tesla cho biết ông sẽ chuyển thuật toán của Twitter thành mã nguồn mở, công khai trên các nền tảng như Github, để người dùng Internet có thể tham gia phân tích, tìm hiểu, đánh giá các vấn đề và gợi ý cách sửa chữa. Ông cũng muốn chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter nên thận trọng và "khoan dung" hơn: "Chúng ta cần phải rất dè dặt khi quyết định xóa một nội dung nào đó, và cực kỳ cẩn thận với việc khóa vĩnh viễn tài khoản – đình chỉ tạm thời là biện pháp tốt hơn".
Tính năng chỉnh sửa bài đăng đã được Twitter thử nghiệm sau đề xuất của Elon Musk (Nguồn: CNBC)
Thực tế từ trước khi đưa ra đề nghị thâu tóm Twitter, tỷ phú Elon Musk – với tư cách là cổ đông lớn nhất của công ty này đã nhiều lần đưa ra những đề nghị nhằm thay đổi cách thức hoạt động của công ty. Một trong số này đã được xem xét, đó là việc thử nghiệm lần đầu tiên tính năng cho phép sửa bài đăng. Những đề xuất khác như xóa hoàn toàn quảng cáo với người dùng dịch vụ trả phí Twitter Blue, và cho phép họ thanh toán phí bằng tiền số Dogecoin – dù sau đó ông Musk đã xóa bài đăng kêu gọi các tính năng này.
Chuyên trang công nghệ Recode bình luận, dù không kiếm tiền mạnh như Facebook hay Youtube, nhưng Twitter có tầm ảnh hưởng xã hội rất lớn, đặc biệt là tại Mỹ, nơi nền tảng này được xem như một "sân chơi của giới tinh hoa". Những tên tuổi nổi bật như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây hay chính Elon Musk, đều thông qua Twitter để tạo ra một sức lan tỏa cực lớn đến công chúng, bất kể những thông điệp họ đưa ra mang tính tích cực hay tiêu cực.
Nhiều nhân vật như cựu Tổng thống Trump trước đây tạo ra ảnh hưởng lớn thông qua Twitter (Nguồn: CNBC)
Do đó, việc Elon Musk thâu tóm Twitter, nếu thành công, sẽ là một cú hích lớn trong mở rộng ảnh hưởng và định hình tầm nhìn của vị tỷ phú này lên xã hội. Trước đó cựu Tổng thống Trump cũng đã hợp tác xây dựng một mạng xã hội riêng mang tên "Sự thật", nhằm thách thức các tên tuổi lớn hiện nay. Nhưng cái tên non trẻ này chắc chắn khó có thể so sánh với Twitter ở thời điểm hiện nay. Ông Musk kết thúc thư đề nghị với một tuyên bố đầy tự tin: "Twitter có những tiềm năng tuyệt vời. Và tôi sẽ là người có thể mở khóa được chúng".
Thị trường và Twitter phản ứng ra sao từ lời đề nghị của Elon Musk?
Sau khi Elon Musk công bố đã hoàn tất mua hơn 9% cổ phần của Twitter, thị trường chào đón thông tin này một cách khá tích cực, đẩy cổ phiếu mạng xã hội này tăng tới 27% trong phiên. Ngược lại, cổ phiếu Twitter lại mất 1,7% giá trị sau khi lời đề nghị thâu tóm được đưa ra – cho thấy thị trường tỏ ra dè dặt hơn nhiều.
Thị trường chứng khoán tỏ ra hoài nghi với đề nghị thâu tóm Twitter của Elon Musk (Nguồn: CNN)
Hãng dịch vụ tài chính Stifel đã hạ xếp hạng của cổ phiếu này, với bình luận có phần châm chọc rằng "Công ty đã trở thành một rạp xiếc của Elon Musk". Ngân hàng Mizuho thì nhận định hội đồng quản trị của Twitter sẽ sớm từ chối lời đề nghị này bởi những khác biệt quá lớn trong triết lý kinh doanh giữa hai bên. Một lý do khác có thể tạo ra mối lo ngại từ phía Twitter là việc "Ông Musk sẽ có rất ít thời gian để tập trung vào Twitter khi cũng đang điều hành một loạt công ty công nghệ khác, bao gồm cả Tesla và SpaceX".
Về phía Twitter, lời đề nghị từ Elon Musk rõ ràng đang là tâm điểm sự quan tâm của cả ban lãnh đạo lẫn các nhân viên. CEO Parag Agrawal thừa nhận "có nhiều vấn đề gây mất tập trung sắp tới" trong một lời nhắn tới đội ngũ nhân viên. Nhiều nhân sự của hãng cũng tỏ ra khá lo lắng, khi ban lãnh đạo không có câu trả lời về việc kế hoạch thâu tóm của Elon Musk có thể tác động ra sao đến hoạt động của họ.
Một thực tế khác, đó là dù là cổ đông lớn nhất, nhưng Elon Musk sẽ phải đương đầu với nhiều cổ đông lớn khác nếu muốn kiểm soát Twitter, trong đó có những ông lớn đầu tư như quỹ Vanguard và BlackRock. Một trong các cổ đông lớn đã lên tiếng phản đối, đó Hoàng thân Arập Xêút Alwaleed bin Talal cùng với quỹ Kingdom do ông sở hữu. Ông này cũng đồng thời nâng lượng cổ phần nắm giữ tại Twitter lên 5,2%.
Hoàng thân Arập Xêút Alwaleed – cổ đông lớn của Twitter công khai phản đối đề nghị thâu tóm (Nguồn: Twitter @Alwaleed_Talal)
Sau nhiều đồn đoán từ giới truyền thông, trong động thái mới nhất, ban lãnh đạo Twitter cuối cùng đã chấp nhận phương án thường được gọi là "viên thuốc độc". Với kế hoạch này, trong vòng 1 năm tới, nếu có bất cứ cổ đông bên ngoài nào mua vượt quá 15% cổ phần, thì các cổ đông khác của Twitter sẽ được mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu, giúp làm "pha loãng" ảnh hưởng của hành vi thâu tóm.
Đây được xem là hành động nhằm ứng phó trực tiếp với đề nghị thâu tóm từ phía Elon Musk. Hãng cũng công bố chỉ định ngân hàng JP Morgan làm tư vấn, trong khi vị CEO Tesla cho biết sẽ hợp tác với Morgan Stanley trong thương vụ này.
Elon Musk liệu có thể thành công trong thương vụ này?
Giới chuyên gia đều tin rằng đây sẽ là câu hỏi cực kỳ khó trả lời, bất chấp việc Elon Musk có một ảnh hưởng cực lớn với 81 triệu người theo dõi trên Twitter, và đề nghị trị giá 43 tỷ USD chỉ chiếm chưa đến 1/5 khối tài sản lớn nhất thế giới của ông.
Nhưng trên thực tế, phần lớn tài sản của Elon Musk nằm ở dạng cổ phiếu trong các công ty mà ông kiểm soát như Tesla và SpaceX. Để huy động nguồn vốn cho kế hoạch này, ông sẽ không có quá nhiều lựa chọn, ngoài việc đi vay hoặc bán cổ phiếu Tesla. Bản thân ông cũng thừa nhận mình "chưa chắc đã thành công", và đã chuẩn bị sẵn "kế hoạch B" dù không tiết lộ chi tiết kế hoạch này ra sao.
Elon Musk cho biết ông "chưa chắc" có thể thâu tóm Twitter (Nguồn: CNN)
Với các động thái của mình, ban lãnh đạo Twitter cũng cho thấy họ sẽ không dễ dàng bị lời đề nghị của Musk kiểm soát. Ông David Trainer, giám đốc hãng tư vấn đầu tư New Contructs, cho rằng CEO Agrawal sẽ có sự ủng hộ từ các cổ đông hiện nay, bởi "Ngoài vị thế ngôi sao của mình, thì Musk không đem lại giá trị thực tế nào cho các cổ đông của Twitter, và cũng khó có thể thúc đẩy công ty phát triển trong dài hạn".
Các chuyên gia cũng lưu ý không ít lần mà Elon Musk đưa ra một tuyên bố để rồi sau đó rút lại, hoặc điều đó bất thành. Mới đấy nhất, ngay sau khi công bố việc mua cổ phần Twitter, Elon Musk đã nhận lời tham gia Hội đồng quản trị và cam kết không tìm cách thâu tóm công ty. Tuy nhiên, tỷ phú này đã lại đổi ý vào phút chót.
Trong khi Twitter được cho là có khả năng "kháng cự" lại tham vọng của Elon Musk, thì điều này không có nghĩa là hãng sẽ "miễn nhiễm" với các ý định thâu tóm trong tương lai. Điều này đã được nhà đồng sáng lập, cựu CEO Jack Dorsey đưa ra trong một tweet bình luận về sự kiện này: "Trên tư cách một công ty đại chúng, thì Twitter sẽ luôn ở trong trạng thái ‘đang được rao bán’ – đó chính là vấn đề cốt lõi ở đây".
(Theo VTV)