LTS: Dưới đây là góc nhìn của nhà báo - facebooker Hoàng Hải Vân về cách chống dịch của TP.HCM cùng với nghịch lý giữa con số tăng trưởng GDP và thực trạng hiện nay của đời sống kinh tế xã hội.

Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Một anh lái xe 4 chỗ chạy khách ở Đông Nam bộ nói với tôi, giờ muốn ra khỏi tỉnh anh phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Cái giấy đó có giá trị 3 ngày, chi phí xét nghiệm 300 ngàn.

Nhưng từ nhà anh đến chỗ xét nghiệm của tỉnh cách một trăm mấy chục cây số, đi xe nhà mất khoảng 600 ngàn tiền xăng và chi phí. Cộng chi phí đi lại và làm xét nghiệm, anh mất 900 ngàn trong 3 ngày, bình quân mỗi ngày anh mất 300 ngàn. 

Thời buổi giãn cách xã hội này, rất ít người đi lại, chi phí lại tăng cao, thu nhập của anh chưa bằng 1/10 so với trước. Tức là anh đang nghèo đi 10 lần. Một loạt nghề khác cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. 

Và hãy nhìn sân bay Tân Sơn Nhất. Cái sân bay sầm uất nhất nước này giờ vắng hoe, trong lịch sử tồn tại của nó chưa bao giờ thảm hại như vậy, nó đúng là rơi xuống đáy của đáy như một tờ báo đã giật tít. Đằng sau hình ảnh hiu quạnh của sân bay là các doanh nghiệp đang điêu đứng, là người nghèo đang sắp đói, là người khá giả đang nghèo đi, là người giàu đang bớt giàu.  

Tội nghiệp nhất là bà con lao động kiếm sống từng ngày ở TP.HCM, ở nhiều đô thị khác cũng như bà con nông dân mà sản phẩm làm ra bị ách tắc không lưu thông được. Chính quyền TP quyết định trợ giúp cho bà con lao động thời vụ mỗi người 50 ngàn đồng/ngày chỉ như muối bỏ biển nhưng chưa biết bao giờ thì có. 

{keywords}
Những bữa cơm miễn phí được sẻ chia ở TP.HCM. Ảnh: Lam Dao

Truyền thống lá lành đùm lá rách của đồng bào ta đang được phát huy cao độ nên tạm thời chưa có người chết đói. Những bữa cơm miễn phí đang được đồng bào ta dành cho những người cơ cực.

Bà con lao động thời vụ, bà con bán vé số, bà con bán hàng rong, bà con buôn thúng bán mẹt, bà con làm công nhật trong các cơ sở dịch vụ … lấy gì ăn khi không thể đi làm? 

Thực hiện chống dịch với biện pháp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) để chống lây nhiễm là cần thiết, nhưng thực hiện “chống dịch như chống giặc” với các biện pháp cực đoan vừa không hiệu quả vừa gây ra tình trạng bi thảm nói trên về kinh tế và đời sống. 

Mới nhất là việc áp dụng giấy xét nghiệm âm tính như một giấy thông hành vào các địa phương, chợ búa và một số nơi làm ăn sinh sống của người dân. Biện pháp này có tác dụng rất ít trong phòng chống dịch nhưng hậu quả sẽ là một thảm hoạ về kinh tế và đời sống.

Anh lái xe tôi nói ở trên tuy thu nhập bị giảm 1/10 nhưng vẫn có thể hoạt động được trong nội tỉnh, nhưng hàng chục ngàn người lao động cư trú ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai và thành phố Dĩ An (Bình Dương) cứ 3 ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính một lần (một số tỉnh khác cũng đang bắt đầu áp dụng).

Chi phí xét nghiệm cho hàng chục ngàn người lao động này là cực lớn, nếu người lao động gánh chịu thì họ sẽ nghèo đi, nếu doanh nghiệp phải gánh chịu thì chi phí tăng mạnh, lợi nhuận giảm mạnh.

Đáng chú ý nhất là bà con tiểu thương và tất cả những người lao động sinh sống dựa vào chợ Bình Điền, một chợ đầu mối lớn nhất ở TPHCM, đã phải chen chúc đi làm xét nghiệm để lấy giấy xác nhận âm tính cứ 4 ngày 1 lần, nếu không có cái giấy này sẽ không được vào chợ.

Tại đây có khoảng 14 ngàn người phải làm xét nghiệm để lấy giấy thông hành vào chợ. Tập trung người đông như thế này vừa đẩy gánh nặng lên đầu người dân vừa đi ngược lại mục tiêu 5K, hoàn toàn phản tác dụng chống dịch.

Trong bối cảnh như trên thì, theo báo cáo, GDP 6 tháng đầu năm nay của cả nước tiếp tục tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với tốc độ 1,82% của cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 57,8% dự toán năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Hai quý tới, dù theo kịch bản nào thì Nhà nước vẫn bảo đảm mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho cả năm, tức là nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. 

{keywords}
Chợ Bình Điền đóng cửa từ 8h ngày 6/7

GDP theo cách tính hiện nay, theo tôi, không nói lên được bản chất thu nhập của doanh nghiệp cũng như của người dân. Sự nghèo đi 10 lần của anh lái xe, gánh nặng thêm 100 ngàn chi phí xét nghiệm mỗi ngày để lấy giấy thông hành của người lao động, sự đứt bữa của bà con lao động thời vụ ở TP.HCM liệu có được tính đủ vào GDP?

Nhưng chi phí chống dịch, chi phí xét nghiệm có thể sẽ được cộng vào tăng trưởng GDP? Người dân và doanh nghiệp đang nghèo đi mà thu ngân sách tăng thì có phải là nhờ lạm thu?

Tóm lại, dựa vào những con số kinh tế đang tăng trưởng mà yên tâm với những quyết định cực đoan chống dịch bằng mọi giá có thể dẫn tới những sai lầm. 

“Cân nhắc lợi ích so với chi phí là cách mà hầu hết mọi cá nhân phải tính khi đưa ra quyết định. Hầu hết các doanh nghiệp cũng phải làm như vậy nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh. Chỉ có trong chính quyền thì bất kỳ lợi ích nào, dù nhỏ đến đâu, cũng được coi là xứng đáng với bất kỳ chi phí nào, dù lớn đến đâu”. 

Lời đó của Thomas Sowell, nhà kinh tế và tư tưởng lớn nhất của nước Mỹ đang còn sống, nói về chính phủ Hoa Kỳ và mọi loại chính phủ khác trên thế giới. Thông điệp ông muốn đưa ra là, một chính quyền vì dân thì làm đúng như người dân vẫn làm.

Chợ Bình Điền giờ đã đóng cửa. Hàng chục ngàn người sinh sống gắn với cái chợ này chưa biết sẽ sống ra sao.

Ngay bây giờ, tôi nghĩ các nhà lãnh đạo nên đến những nơi phát cơm miễn phí ở Sài Gòn hỏi những người đến lấy cơm, nếu không có những bữa cơm như thế này họ lấy gì để ăn? 

Hoàng Hải Vân

Các bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nghịch lý trong dịch bệnh

Nghịch lý trong dịch bệnh

Từ đầu đại dịch, tôi vẫn hồ nghi rằng, virus Sars-CoV-2 vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không bị phát hiện.