Cuối tuần qua, thông tin về Geleximco - Tập đoàn đa ngành nghề của ông Vũ Văn Tiền ký thỏa thuận với Tổng công ty Viglacera thuê 50ha tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô với tổng số vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD gây xôn xao dư luận.
Theo tìm hiểu của báo VietNamNet, Geleximco không tạo ra một thương hiệu xe ô tô Việt hay đi theo chiến lược "Make in Vietnam" giống như VinFast mà sẽ triển khai theo hình thức liên doanh với các "ông lớn" ô tô trong khu vực.
Bắt tay với đại gia Trung Quốc
Tiết lộ với VietNamNet, Tập đoàn Geleximco cho biết, dự án hiện nay vẫn đang nằm trên giấy và chưa "chốt" được gì. Bước đi cụ thể nhất là thuê đất. Tập đoàn vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện, Geleximco đang đàm phán với hai đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ô tô, trong đó, đối tác tiềm năng là Chery của Trung Quốc. Đây là hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc.
Từ cuối năm 2021, Chery đã có kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc tổ chức khảo sát thăm dò ý kiến về thị hiếu và nhu cầu người dùng trong nước đối với sản phẩm ô tô. Trong cuộc khảo sát này, Chery tìm hiểu về dòng xe được người Việt Nam ưa chuộng và mức giá mà người dùng có thể chấp nhận.
Đồng thời, Chery cũng lấy ý kiến về tiềm năng chào bán 2 mẫu xe xăng SUV C và SUV B là Tiggo 5 và Tiggo 7 tại Việt Nam. Ngoài ra, ông lớn ngành ô tô Trung Quốc này cũng ngỏ ý sẽ tìm đối tác tại Việt Nam để bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất chứ không đơn thuần là phân phối thương mại.
Tại thời điểm này, Chery chưa đề cập đến việc sản xuất xe điện.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trong giai đoạn đầu, Tập đoàn Geleximco cũng sẽ vẫn tập trung sản xuất và lắp ráp xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Tương lai, chiến lược của tập đoàn là sẽ theo đuổi phát triển các dòng xe xanh, sạch như Hybrid và EV.
Điều này phù hợp với lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong của Chính phủ theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2022. Theo lộ trình này, đến năm 2050, Việt Nam thay thế 100% các loại xe cộ chạy xăng, dầu bằng xe điện.
Trong cuộc trao đổi trực tuyến về kế hoạch thâm nhập thị trường, ông Tang You Hu - Giám đốc của Chery Việt Nam chia sẻ: "Cách đây hơn 10 năm trước, chúng tôi luôn muốn thương hiệu xe Chery được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần bán xe nhập khẩu. Điều này sẽ giúp cho xe Chery tạo ra sự khác biệt so với những thương hiệu xe Trung Quốc khác đang được phân phối nhờ mạng lưới đại lý chính hãng phủ rộng khắp."
"Vì vậy, sự trở lại lần này, Chery đã dành rất nhiều thời gian để khảo sát thị trường và mong muốn tìm được một đối tác thật sự tin cậy để đồng hành, từ đó đem đến một chiếc xe có tỉ lệ nội địa hóa cao và phù hợp với nhu cầu của người Việt", ông Tang nói thêm.
Chưa rõ trong tổng số vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD, tỷ lệ góp vốn giữa Geleximco và đối tác sẽ là bao nhiêu và cơ chế phân chia quyền lợi ra sao. Tuy nhiên, hình thức hợp tác liên doanh với "ông lớn" ô tô trên thế giới có lẽ là hướng đi đúng đắn và khả thi nhất mà Tập đoàn Geleximco có thể lựa chọn ở thời điểm hiện tại.
Đây cũng là cách đi của hai Tập đoàn ô tô tại Việt Nam là Hyundai Thành Công và Thaco và đã rất thành công. Nếu cú bắt tay này diễn ra thì nhà máy Geleximco sẽ là sự hiện diện đầu tiên của nhà đầu tư Trung Quốc trong ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Trước đó, các hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam đều chỉ dừng ở khâu phân phối thương mại như MG, Baic, Dongfeng...
Chery là hãng xe xuất khẩu ô tô nhiều nhất Trung Quốc suốt 19 năm liên tiếp. Bởi vậy, sự hợp tác với một đối tác lớn như Chery sẽ là sự đảm bảo vững chắc về chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng- một yếu tố then chốt quyết định đến sự ổn định của kế hoạch sản xuất ô tô trong bối cảnh "hậu Covid-19".
Đó có thể là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của Geleximco khi dấn thân vào "cuộc chơi 4 bánh".
Sức hút ngành ô tô
Chia sẻ với PV VietNamNet, đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho hay, nhà máy sản xuất ô tô Geleximco được xem là một dự án đầy tiềm năng nếu như nhà đầu tư không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Đây cũng là con đường mà VinFast đang thực hiện để trở thành một thương hiệu ô tô toàn cầu.
Theo quy trình thủ tục đầu tư, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án ô tô Geleximco sẽ phải trải qua các bước như xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 116 về sản xuất lắp ráp ô tô. Trên cơ sở đó, dự án mới được cấp giấy phép đầu tư.
Vì vậy, giai đoạn này có thể hiểu là giai đoạn Geleximco đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để dự án trở thành hiện thực.
Tất nhiên, cách mà Geleximco triển khai sẽ khó "thần tốc" như thương hiệu ô tô điện VinFast. Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2030, nhà máy có công suất sản xuất 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi, công suất đạt 100.000 xe/năm.
Dung lượng thị trường xe ô tô Việt Nam hàng năm hiện chỉ đạt từ 300.000-400.000 xe/năm, nhưng sức hút của ngành sản xuất ô tô vẫn rất lớn.
Hyundai Thành Công hiện đang lắp ráp hầu hết các mẫu xe mang thương hiệu Hyundai cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thứ 2 tại Ninh Bình. Khi đi vào vào hoạt động, tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe sẽ đạt 170.000 xe/năm.
Còn Thaco đã nâng cấp nhà máy lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda lên công suất 100.000 xe/năm và thương hiệu KIA lên 50.000 xe/năm. Trong khi đó, hãng xe ô tô Việt VinFast đã đưa vào hoạt động nhà máy với công suất thiết kế 250.000 xe/năm và tương lai là 500.000 xe/năm.
Sức hút này còn lan tỏa tới các công ty nhỏ và vừa ở Việt Nam. Từ năm 2021, một công ty vốn trong lĩnh vực dược phẩm cũng đang "start up" xây dựng nhà máy ô tô điện Thái Hưng tại Thái Bình với tổng vốn dự kiến lên tới 1.500 tỷ đồng.
Những con số đến từ những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô đủ thấy cuộc chơi này vẫn đang rất "hot", đặc biệt là xu hướng đầu tư xe điện. Các bước đi bài bản và chọn lựa đối tác chiến lược uy tín đã đem lại những thành công nhất định cho Hyundai Thành Công, Thaco và cả thương hiệu trẻ VinFast.
Đó cũng có thể là tiền đề để các doanh nghiệp Việt đi sau nhìn thấy hi vọng to lớn khi đầu tư vào một ngành công nghiệp đặc thù, suất đầu tư lớn và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém.
Với người tiêu dùng Việt Nam, sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô sẽ đem lại sự cạnh tranh lành mạnh hơn cho thị trường. Người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn với giá cả hợp lý hơn. Nhưng để có thể thành công, những người đi sau cần có quyết tâm và phải theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chỉ có vậy mới có thể tạo nên một nền công nghiệp ô tô Việt thật sự mạnh và bền vững.
Gia Khánh
Bạn có góc nhìn về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!