Dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng áp lực về kinh nghiệm đang đè nặng lên các bạn sinh viên. Học trên sách vở thực sự là chưa đủ, bởi với môi trường làm việc hiện nay đòi hỏi không chỉ kiến thức lý thuyết, mà còn cả về kiến thức và kinh nghiệm thực tế đã được trau dồi của các sinh viên.
Với sự phát triển không ngừng của xã hội và sự đòi hỏi cao của các nhà tuyển dụng, các bạn sinh viên phải tích cực rèn luyện từng ngày để sau khi ra trường có thể tìm được công việc như ý. Vô hình trung, điều này tạo nên những áp lực vô cùng lớn cho sinh viên.
Mông lung trong việc tìm kiếm kinh nghiệm
Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều các bạn sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 đang gặp khó khăn trong công cuộc tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành đang theo học. Nhiều bạn không biết bắt đầu từ đâu và xin việc như thế nào. Những câu hỏi về định hướng, về công việc sau này được đặt ra khiến các bạn khá đau đầu.
Trần Đức Dương, sinh viên năm thứ 3 của Đại Học Kiến trúc muốn đi làm để có thêm cho mình nhiều kinh nghiệm. Từ năm thứ 2, dù đã cố gắng rải CV ở rất nhiều nơi nhưng nhận lại đều là lời từ chối.
Dương chia sẻ: "Mình đã cố gắng tìm một công việc phù hợp từ năm thứ 2, nhưng không có chỗ nào nhận. Vì thông thường họ tuyển những người có kinh nghiệm trước đó rồi. Mình cảm thấy buồn và stress nhưng cũng không biết phải làm thế nào".
Dương cho biết thêm, Dương chọn ngành học này theo sở thích, không có quan hệ quen biết, vì vậy việc nhà tuyển dụng đưa ra là phải có kinh nghiệm trước đó là thực sự khó khăn với cậu.
"Nhiều khi đã rất nản nhưng mình suy nghĩ chắc là sẽ tìm được công việc phù hợp với mình thôi. Đến thời điểm hiện tại dù đã có việc, nhưng bản thân mình cũng chưa hài lòng lắm.
Chưa hài lòng là bởi thực sự mà nói công việc này chưa giúp mình nhiều trong việc có thêm kinh nghiệm, nó chỉ để giết thời gian và kiếm được phần nào thu nhập", Dương nói.
Việc tìm kiếm những công việc làm thêm, hiện giờ đang trở nên khó khăn với các bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm trong ngành mà các bạn đang theo học. Có nhiều công việc dù có mức thu nhập khá phù hợp nhưng lại chưa đủ để đáp ứng theo chuyên ngành theo học. Chính vì vậy đã làm cho các sinh viên đang dần trở nên áp lực với việc nâng cao kinh nghiệm chuyên ngành.
Phùng Ly, đang là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng đã gặp tình trạng tương tự với Đức Dương.
Dù đã là sinh viên năm thứ 3 nhưng những công việc Ly đang đã làm chẳng phục vụ được gì cho ngành học của cô.
Ly bộc bạch: "Mình học ngành Báo, chính vì vậy mình rất muốn tìm một công việc liên quan đến viết bài hay sáng tạo nội dung, để giúp bản thân có thêm kiến thức thực tế.
Nhưng thực sự mình thấy nó rất khó. Trước mắt, mình đang làm một công việc khác với ngành học và hy vọng tương lai gần sẽ tìm được vị trí công việc đúng với mong muốn của bản thân".
Đã từng là sinh viên và gặp khó khăn trong thời gian tìm kiếm việc làm, bạn Đình Thành, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương nói: "Cũng đã từng mất rất nhiều thời gian cho công cuộc tìm việc, mình nhận ra rằng điều cần thiết nhất với các bạn sinh viên là sự cố gắng, kiên trì. Dù thời gian đầu sẽ khó khăn nhưng rồi các bạn sẽ tìm thấy công việc như ý nếu bạn thực sự nỗ lực."
Mục đích của nhiều bạn sinh viên hiện nay thường là để có thêm thu nhập và chưa suy nghĩ nhiều về việc bản thân cần trang bị những kinh nghiệm cần thiết cho tương lai sau này.
Chính vì những ý nghĩ như vậy, mới đưa các bạn sinh viên vào một thế khó sau khi ra trường, trong tay không có kinh nghiệm và không thể tìm được công việc như ý muốn.
Và cũng có rất nhiều những bạn sinh viên dù đã dành thời gian đi làm rất nhiều, nhưng lại bỏ bê công việc học tập, không thể cân bằng được việc học và việc làm thêm.
Có nhiều cách để tạo ra kinh nghiệm
Không phải bạn trẻ nào trước khi ra trường có được nhiều những kinh nghiệm cần thiết. Với những bạn sinh viên đang áp lực quá nhiều về vấn đề nâng cao kinh nghiệm của bản thân thì việc cố gắng từng ngày là điều quan trọng nhất.
Có nhiều cách khác nhau để có thể có cho bản thân những kỹ năng và kinh nghiệm cho công việc tương lai. Đi làm thêm chỉ là một lựa chọn trong nhiều những lựa chọn khác. Các bạn có thể tìm cho mình một hướng đi đúng để hoàn thành được những dự định của bản thân.
Quỳnh Đan vừa tốt nghiệp, là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lựa chọn trau dồi kinh nghiệm bằng nhiều cách khác nhau. Khi còn đi học, Đan tham gia rất nhiều hoạt động và trở thành một sinh viên năng nổ của trường. Chính vì điều này, đã giúp cho Quỳnh Đan rất nhiều trong công việc sau khi ra trường.
Đặc biệt, vì là sinh viên khoa Phát thanh nên Đan đã trải nghiệm bản thân khi đi làm thêm những công việc liên quan đến chuyên ngành mình đang theo học.
Đan nói: "Đối với mình, kinh nghiệm được xem là một trong những kỹ năng cần thiết đối với các bạn sinh viên trước khi ra trường. Bên cạnh việc giúp cho CV xin việc của các bạn đẹp hơn, dễ dàng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng hay hỗ trợ các bạn không bỡ ngỡ trước các công việc về mặt chuyên môn, kinh nghiệm làm việc sẽ giúp ích rất nhiều về mặt kỹ năng mềm cho các bạn".
Đan bộc bạch thêm: "Những kỹ năng mềm tưởng chừng như đơn giản như: giao tiếp với sếp, đồng nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng sử dụng các công cụ văn phòng hay khả năng lãnh đạo… cũng cần một thời gian dài để thích nghi và hoàn thiện.
Nhìn chung, việc bạn có những trải nghiệm việc làm trước khi ra trường là một lợi thế khá lớn, nhưng nó không phải là tất cả. Mình nghĩ tinh thần cầu thị, sự kiên trì và nỗ lực chính là yếu tố quan trọng quyết định bạn có thành công trong công việc đó hay không".
Đỗ Tuấn Đức sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Kinh tế quốc dân đã chọn cách của riêng mình để trau dồi cho bản thân nhiều kinh nghiệm.
Tuấn Đức chia sẻ: "Về quan điểm cá nhân của mình, kinh nghiệm là thứ rất quan trọng đối với tất cả mọi người và tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.
Tất cả mọi người khi đưa ra nhận xét về bạn sẽ nhìn vào kinh nghiệm của để đánh giá trình độ chuyên.
Trong thời điểm hiện tại, mình không làm thêm công việc nào vì mình đang cố gắng để hoàn thiện các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của mình. Với mình, không chỉ đi làm thêm mới tích lũy được kinh nghiệm mà có thể tự xây dựng các dự án liên quan đến vị trí ứng tuyển sau này".
Khác với những sinh viên đang chật vật tìm kiếm công việc, bạn Lâm Hoa Linh, sinh viên ngành y của Học Viện Y dược học cổ truyền dù có những áp lực về kinh nghiệm làm nghề, nhưng Linh nghĩ rằng việc học hiện tại mới là quan trọng nhất.
Hoa Linh chia sẻ: "Bản thân mình là một sinh viên trường y nên mình luôn quan tâm việc học là trên hết, bởi đó là ngành nghề cứu chữa và liên quan đến mạng sống con người.
Đối với mình việc trải nghiệm mọi thứ giúp cho bản thân trở nên hoàn thiện, có nhiều kinh nghiệm hơn tuy nhiên cũng nên cân đối giữa hai việc.
Đối với mình, việc nắm chắc kiến thức đang là mình ưu tiên nhiều nhất.
Mỗi ngành nghề sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Và mỗi bạn trẻ sẽ có cho mình hướng đi riêng, miễn là đem lại cho bản thân được thật nhiều những kinh nghiệm quý báu".
Theo Linh, có rất nhiều cách để có cho mình những kinh nghiệm cần thiết. Chỉ cần bạn có niềm tin và cố gắng từng ngày thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
Cuộc sống thì ngày càng phát triển chính vì vậy yêu cầu đối với những sinh viên mới ra trường cực kỳ cao. Chính vì vậy việc trang bị đủ cho bản thân nhiều kiến thức là một điều vô cùng cần thiết.
Theo Dân trí