* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Vốn yêu thích hai diễn viên Thu Hà và Hồng Diễm từ phim Hướng dương ngược nắng nên tất nhiên là tôi không thể bỏ qua Trạm cứu hộ trái tim khi phim lên sóng, nhất là khi họ lại vào vai mẹ con. Nhưng ngay ở những tập đầu tôi đã không có mấy cảm tình với cách xây dựng nhân vật ghê sợ như thế.
Dù đánh giá cao diễn xuất của NSND Thu Hà song thú thực là tôi không thể ưa nổi vai bà Lan. Tôi cố nán lại xem để hiểu vì sao trên đời có một người mẹ luôn hắt hủi con mình như kẻ thù giống bà Lan nhưng càng xem càng thấy bực bội.
"Tôi xin chị, chị hãy hạ cái mặt nạ xuống, đừng có giả vờ giả vịt đóng kịch với tôi nữa. Đừng diễn kịch tỏ ra quan tâm thương xót tôi nữa, nghe nó ghê răng lắm", bà Lan nói với Hà. Nếu không theo dõi từ đầu mà chỉ xem riêng trích đoạn này không ai nghĩ họ là mẹ con ruột.
Suốt nhiều năm bà Lan hận chồng mình ngoại tình, hận con gái vì đã can ngăn mình trong lúc đi đánh ghen. Bà Lan bị liệt một bên chân, không thể làm diễn viên múa sau khi ngã cầu thang lúc đi đánh ghen mà lỗi không phải do Hà. Nhưng bà cứ bám vào đó để trút giận lên con gái, bao năm vẫn không nguôi cơn giận. Tình tiết này khi xem phim thực sự gây ức chế. Dường như biên kịch đang đi quá xa và cố tình đẩy mâu thuẫn giữa bà Lan và Hà lên đến đỉnh điểm một cách thiếu thuyết phục.
Trên đời này chẳng có bà mẹ nào phản ứng vô lý như bà Lan khi dùng tay hất bát gà hầm xuống đất chỉ vì phát hiện ra người làm món ăn đó cho mình là con gái. Cũng không có người vợ nào hận chồng tới xương tủy vì ngoại tình và dẫn đến tai nạn của mình nhưng vẫn không ly hôn mà sống chung 1 mái nhà cho tiện bề... đay nghiến như thế. Tôi nghĩ chắc có lẽ chỉ trên phim mới tồn tại kiểu phụ nữ tự tạo ra địa ngục trong nhà mình và coi chồng con như kẻ thù.
Cặp nhân vật khác tôi cũng thấy ghê sợ không kém bà Lan là Nghĩa và An Nhiên. Chưa rõ nguyên nhân tại sao họ lại lên kế hoạch trả thù một cách vô đạo đức như vậy nhưng rõ ràng Nghĩa và An Nhiên là những kẻ hai mặt đáng sợ, biến Trạm cứu hộ trái tim thành một bộ phim gây ức chế cho người xem bởi cảm xúc tiêu cực mà các nhân vật xấu xa trong đó mang tới.
Nhân vật Nghĩa quá máu lạnh khi có thể qua lại cùng lúc với hai phụ nữ. Nghĩa có con với An Nhiên, kết hôn với Hà cùng ngày sinh nhật con trai đầu lòng. Nghĩa sống với Hà để trả thù gia đình cô nên một mặt tỏ vẻ quan tâm chăm sóc vợ, một mặt âm thầm cướp đi quyền làm mẹ của cô bằng cách cho thuốc tránh thai vào cốc sữa mỗi tối trong khi vẫn cùng cô đến bác sĩ sản khoa như đúng rồi! Nghĩa qua lại thường xuyên với An Nhiên nhưng khi thấy Hà gặp lại người yêu cũ thì ghen tuông.
Còn An Nhiên, cô ta lên kế hoạch cho người đàn ông của mình làm chồng hợp pháp của Hà để trả thù. An Nhiên dùng mác bác sĩ tâm lý, tiếp cận cả Hà và mẹ cô để nắm các bí mật riêng của họ và tung đòn khi cần. Những tập gần đây, khi Nghĩa và An Nhiên dần lộ mặt, tôi càng chán nản khi xem Trạm cứu hộ trái tim, sự tức giận và ức chế chồng chất bởi xuất hiện quá nhiều nhân vật độc hại gây cảm xúc tiêu cực cho người xem.
Chưa kể nhân vật bà Mến - mẹ của Mỹ Đình, tôi không hiểu sao mà khán giả tỏ vẻ thích thú như thế khi bà ta dùng những lời lẽ chợ búa nói với con gái và thậm chí còn cho người đánh con rể cũ thừa sống thiếu chết vì đã lừa dối Mỹ Đình. Nhân vật này không đáng sợ như bà Lan, Nghĩa và An Nhiên nhưng cũng độc hại không kém, chả mang tới điều gì tươi sáng.
Thật không hiểu thông điệp chữa lành của bộ phim là gì bởi tạo ra quá nhiều nhân vật và tình huống tiêu cực không có giá trị giáo dục hay giải trí nào với khán giả. Đi làm cả ngày đã quá mệt mỏi vì áp lực công việc và cuộc sống, tối đến bật tivi lên tôi không muốn tiếp tục nuôi cảm xúc khó chịu trước khi đi ngủ bằng một bộ phim như thế này. Vì vậy, tôi quyết định chuyển kênh khác khi truyền hình phát sóng những tập tới của Trạm cứu hộ trái tim.
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Độc giả Mỹ Lệ