Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc cho bé N.N.M (32 tháng tuổi, ngụ Đắk Lắk) bị u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao. Đây là bệnh nhi đầu tiên được ghép tế bào gốc tại bệnh viện.
Cha mẹ bé M. vui mừng khi con đã hồi phục tốt và có thể về nhà ăn Tết
Bé M. nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đau bụng 1 tuần, siêu âm phát hiện khối u vùng hạ vị, cơ địa suy dinh dưỡng, chỉ nặng 11 kg.
Qua hội chẩn và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy thì tỷ lệ sống 1 năm của bé chỉ có 12%.
Sau khi phát hiện bệnh, các bác sĩ tại Khoa Ung bướu - Huyết học lên kế hoạch điều trị kết hợp phẫu thuật cắt u, hóa trị liệu, ghép tủy, hóa trị duy trì sau ghép cho bé M.
Bác sĩ Phan Thị Thu Trang, Phó Khoa Ung bướu - Huyết học cho biết, trước khi ghép, bé đã được thực hiện các xét nghiệm máu, sinh thiết tủy xương, chụp PET scan để xác nhận đạt đáp ứng điều trị.
Đồng thời, các bác sĩ đơn vị ghép của bệnh viện đã thực hiện hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM lên kế hoạch thu thập tế bào gốc, phác đồ hóa trị liệu diệt tủy liều cao trước ghép.
Sau đó, bé được điều trị hóa trị liệu liều cao trong 6 ngày chuẩn bị cho ghép tế bào gốc. Đến ngày 30/12/2020, bé được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có gây mê chủ động tại chỗ với sự hỗ trợ, giám sát chuyên môn của Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu huyết học.
Sau 1 tuần ghép, kết quả kiểm tra các dòng tế bào máu hồi phục thuận lợi, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường. Bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay thuốc điều trị biến chứng liên quan ghép.
Dự kiến bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u.
Anh Nguyễn Thanh Sơn (44 tuổi, cha của M.) xúc động chia sẻ: “Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán con tôi bệnh nhưng tôi cứ hy vọng đó là sự nhầm lẫn. Thời điểm đó, bác sĩ tư vấn điều trị cho bé mất khoảng 3 tỷ đồng, nhưng may mắn, có bảo hiểm chi trả nên gia đình cố gắng vay mượn chạy chữa để bù vào khoản còn lại cho con. Giờ thấy con khỏe lại, tôi cũng chỉ biết mang ơn các bác sĩ đã cứu con mình”.
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mỗi năm có khoảng 40 trẻ được chẩn đoán và điều trị u nguyên bào thần kinh ở bệnh viện.
Bệnh viện Nhi đồng 2 là đơn vị đi đầu trong xây dựng khoa ung bướu huyết học và thực hiện phẫu thuật ung bướu nhi trong nhóm các bệnh viện nhi phía Nam.
Từ năm 2015, bệnh viện đã thực hiện phác đồ hóa trị liệu mạnh kèm ghép tủy tự thân cho một số nhóm bệnh u đặc nguy cơ cao. Đồng thời, bệnh viện phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu huyết học triển khai ghép tế bào gốc đạt kết quả đáng khích lệ.
Đã có 7 bé ghép thành công, thời gian sống không bệnh sau ghép trên 15 tháng. Trong đó, 5 bé hiện còn sống và 3 bé chưa tái phát ung thư lại sau ghép.
Liên Anh
Các bệnh viện phải quyết liệt chống lây nhiễm chéo cho y bác sĩ
Trước sự bùng phát mạnh mẽ của các ca lây nhiễm cộng đồng, Bộ Y tế cho biết cần chú ý tới việc chống lây nhiễm chéo cho cán bộ, nhân viên y tế.