Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai làm dự án mới
Theo ông Vũ Hồng Thanh, trong giai đoạn này, quy mô giá trị ngành kinh doanh bất động sản tăng dần qua từng năm, từ 83.247 tỷ đồng đến 121.090 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 2,72%/năm. Hiện có khoảng 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai với quy mô sử dụng đất hơn 11.191ha.
Đoàn giám sát cũng cho rằng, khả năng tiếp cận đất đai để triển khai mới các dự án bất động sản còn gặp nhiều khó khăn. Các dự án mới cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất còn cao. Hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Kết quả giám sát cũng cho rằng, giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân. Trong khi đó, nhiều khu đô thị bỏ hoang, chung cư mini còn nhiều bất cập và chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả; các khu tập thể cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân.
Thị trường vừa phục hồi lại có dấu hiệu bất ổn
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, trong thời gian qua giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TPHCM, khiến thị trường bất động sản vừa phục hồi đã lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
Theo bà Thủy, cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, đẩy giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường. Giá nhà đất tại một số khu vực đang tăng phi thực tế. Đại diện Bộ Xây dựng cũng từng nhận định giá nhà đất tăng cao như thời gian qua là vô lý và bất thường.
Ngoài ra, đại biểu còn cho rằng, việc lệch pha cung cầu hiện nay dẫn tới khan hiếm thị trường căn hộ bình dân, tiềm ẩn nguy cơ thao túng cao vì không có nhiều mặt hàng tương tự để cạnh tranh.
"Tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá dẫn tới nhiều hệ lụy. Cụ thể như người dân có nhu cầu thực không mua được nhà ở, trong khi không ít người có tiền đang găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận", bà Thủy nêu thực tế.
Đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ có chính sách đủ hấp dẫn để doanh nghiệp làm nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động. Chính phủ cũng cần có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, thời điểm này đang sốt giá đất, có nhà đầu tư ‘thổi giá' rất cao nhưng vẫn có người mua trong khi nhu cầu ở thì không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua đã sang tay chốt lời.
"Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, khó mà định giá, hôm nay giá này ngày mai lại giá khác", ông Hòa nói và cho rằng, nhiều nhà đầu tư thu được lợi nhuận cao, cũng có nhà đầu tư sống dở chết dở, thậm chí vướng vòng lao lý.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp kiến nghị Nhà nước có các chính sách hấp dẫn, thủ tục hành chính triển khai nhanh gọn trong các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội. Qua đó, ông Hòa hy vọng thị trường bất động sản sẽ trở về thực tại theo giá thị trường, không còn sốt ảo như vừa qua.