Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mới đây khởi tố các vụ án liên quan đến tập đoàn kinh tế FLC, Tân Hoàng Minh và các đơn vị liên quan. Vụ việc đang trong quá trình xử lý thì trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết với các thông tin chưa được kiểm chứng.
Các bài viết đào sâu vào các doanh nghiệp, cá nhân khác gây tâm lý hoang mang trong giới đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong nước. Mới đây nhất, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam facebooker Đặng Như Quỳnh (42 tuổi, ở Hà Nội) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, Quỳnh có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nêu trên, có dấu hiệu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán.
Việc bắt Đặng Như Quỳnh nằm trong kế hoạch rà soát của Bộ Công an đối với các hành vi sử dụng mạng xã hội đưa thông tin thiếu kiểm chứng. Cụ thể, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an: “Mọi tài khoản mạng xã hội, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng công an rà soát. Những đối tượng, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có những hình thức xử lý nghiêm minh trong thời gian tới theo đúng quy định”.
Tùy mức độ tin đồn sẽ đối mặt các tội danh khác nhau
Trả lời VietNamNet, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc tung tin đồn hiện nay thường thể hiện dưới dạng hành động đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật về người khác lên mạng xã hội (như facebook, zalo,...).
Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, điều 101 quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư Hải cho biết, căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải cho biết, về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất mức độ hành vi cụ thể thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về các tội: vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Đối với tội vu khống, nếu những người này bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; cao nhất là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Đối với tội làm nhục người khác, nếu những người này nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt với tội trên từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là phạt tù từ 5 - 12 năm.
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân được quy định theo Điều 331 - Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối tượng bị xử lý có thể đối mặt với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Đức Phong