"Ông bà ngoại tôi có 12 người con và quân số hiện tại là 120 thành viên. Gia đình đoàn kết, năm nào cũng giữ truyền thống đoàn viên ngày Tết", Bùi Phương (quê Thái Bình) đăng tải bức ảnh chụp các thành viên trong đại gia đình của mình lên mạng xã hội những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Bức ảnh khiến cư dân mạng thích thú bởi số lượng thành viên "khủng" trong một khung hình.
Bên cạnh bức ảnh, cô gái trẻ còn chia sẻ đoạn clip ngắn quay cảnh các cháu xếp hàng dài gần chục mét dọc khoảng sân lớn nhận lì xì. "Cố lắm mới "bắt" được 1/3 số cháu xếp hàng", Phương viết.
Chị Trần Thu Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) bình luận: "Làm dâu, rể nhà bạn này mà nhớ được hết tên, thứ tự các thành viên của gia đình cũng là một thử thách".
"Ngày Tết, ngày vui, cả gia đình mà quây quần chắc phải mấy chục mâm cơm mới ngồi đủ", anh Tuấn Nam (Nam Định) chia sẻ dưới bài viết.
Trả lời phóng viên, Bùi Phương, chủ nhân bài viết gây sốt mạng xã hội cho biết, Tết đến xuân về là ngày hội tụ của mọi gia đình. Vì vậy, năm nào ngày mùng 4 Tết, đại gia đình của cô cũng trở về ngôi nhà nhỏ ở xã Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình để gặp gỡ, chúc Tết.
"Đây là nhà của ông bà ngoại tôi. Ông bà ngoại tôi sinh được 12 người con (6 con trai, 6 con gái). Mùng 4 tết Giáp Thìn năm nay là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông bà nên mọi người về rất đông", Bùi Phương nói.
Cô gái này cũng cho biết, mẹ cô là con thứ 8 của ông bà ngoại nên được ông bà đặt tên là Vũ Thị Tám.
Trước mẹ cô, ông bà đặt tên lần lượt cho các con là: Vũ Văn Lộc, Vũ Văn Hảo, Vũ Văn Vịnh, Vũ Thị Nguyệt, Vũ Văn Kỳ; từ người con thứ sáu trở đi thì đặt tên theo số thứ tự Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười; người con thứ 11, 12 là Vũ Văn Thản và Vũ Văn Đản. Người bác cả năm nay vừa mừng thọ 80 tuổi.
Bà Lê Thị Mỵ - vợ của ông Vũ Văn Mười cho hay, trong số 12 anh em của chồng bà có 1 người là liệt sĩ, những người còn lại đều lập gia đình, sinh sống tại Thái Bình, Hà Nội và Phú Thọ.
"Theo năm tháng, số lượng thành viên trong gia đình đã tăng lên 120 thành viên bao gồm các con, các cháu, các chắt của bố mẹ chồng tôi. Tết này chỉ có khoảng 100 người về họp mặt, trong bức ảnh chia sẻ chưa phải là số thành viên đầy đủ của đại gia đình tôi", bà Mỵ cho hay.
Theo bà Mỵ, bố mẹ chồng bà qua đời cách nay gần 20 năm. Tuy nhiên, các anh chị em trong gia đình vẫn giữ nếp xưa, dù ở đâu, bận rộn ra sao cũng đưa con cháu về quê họp mặt mùng 4 Tết.
Dù đông anh em, con cháu nhưng các thành viên trong gia đình bà Mỵ luôn đoàn kết, yêu thương nhau. "Tôi về làm dâu được bố mẹ chồng quan tâm, quý mến như con gái. Ngày trước, khi tôi sinh con còn được hai chị chồng từ quê lên Hà Nội chăm sóc chu đáo, các anh chị chồng thường xuyên đến động viên và làm đồ ăn ngon mang cho hàng tuần", bà Mỵ kể.
Sinh thời, vì đông con nên bố mẹ chồng bà Mỵ chịu không ít vất vả. Dẫu vậy các cụ vẫn nuôi nấng, chăm lo cho con trai, con gái khôn lớn, trưởng thành. Các anh chị em trong đại gia đình vì thế luôn bảo ban, yêu thương nhau và dạy con cháu về nguồn cội của mình.
Bà Mỵ cho biết, các anh em trong gia đình đã cùng nhau xây một ngôi nhà thờ 2 tầng. Tầng 1 là nơi thờ tự, tầng 2 là khu vực quây quần, họp mặt ăn uống mỗi dịp lễ Tết.
"Vì số lượng thành viên đông nên mỗi dịp tụ họp, gia đình tôi phải chuẩn bị khoảng 20 mâm cỗ mới đủ", bà Mỵ nói.
Từ tình cảm trân quý của gia đình, bà Mỵ thậm chí còn viết một bài thơ trong đó chia sẻ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ chồng và "điểm danh" đầy đủ 12 anh em và các anh chị em dâu, rể trong nhà.
Bài thơ có đoạn viết: "Nhà tớ vui lắm cậu ơi/ Anh em đoàn kết đời đời bên nhau/ Ngày xưa mẹ tớ đẻ mau/ Hai năm một đứa nhuộm màu thời gian/ Cả đời bố tớ chẳng than/ Sống tràn đức độ chứa chan lòng người/ Mẹ tớ, luôn nở nụ cười/ Nuôi dạy con cái lên người hôm nay...".
Bà Mỵ và cô cháu ngoại Bùi Phương cho biết, họ rất tự hào khi là một mảnh ghép của đại gia đình 120 thành viên. Trong tương lai, số thành viên trong gia đình còn tăng thêm nữa, họ sẽ cùng nhau gìn giữ những nét đẹp truyền thống và tình cảm yêu thương của cả đại gia đình.
Theo Dân trí