Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Việt Nam đã có khoảng 30.000 người từng học tập, lao động ở Bulgaria và hiện có khoảng 1.000 người Việt đang học tập, sinh sống tại đất nước này.
Cộng đồng người Việt Nam ở Bulgaria không nhiều nhưng đoàn kết, văn minh, hòa nhập tốt, tạo được dấu ấn tốt với xã hội sở tại. Bên cạnh sự hội nhập, phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria luôn ý thức được việc dạy và học tiếng mẹ đẻ, trao truyền giá trị văn hóa, ngôn ngữ cho thế hệ sau.
Ngay từ năm 2006, các lớp dạy học tiếng Việt ở Bulgaria đã được mở và tổ chức dạy rất bài bản tại Trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng ở Thủ đô Sofia. Đến nay, các lớp học này vẫn được duy trì đều đặn, giúp cho các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên ở Bulgaria hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, sử dụng được tiếng Việt Nam trong cuộc sống, sinh hạt với cộng đồng người Việt.
Các phụ huynh rất quan tâm đến việc học tiếng Việt của con em mình. Mặc dù bận rộn với công việc mưu sinh, nhà xa nhưng hàng tuần, họ vẫn đưa con đến lớp, phối hợp với giáo viên trong ôn tập, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nói tiếng Việt.
Ngoài dạy về văn hóa, ngôn ngữ, các lớp dạy tiếng Việt của cộng đồng người Việt còn bồi dưỡng kiến thức toán cho các em học sinh. Nhiều con em trong cộng đồng đã đạt được thành tích cao trong học tập, đỗ vào đại học top đầu ở quốc gia này.
Ngoài những lớp học tiếng Việt, nhiều kiều bào trẻ ở Bulgaria đều cho rằng, gia đình cũng chính là cái nôi để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và truyền tải ngôn ngữ tốt nhất.
Em Nguyễn Hữu Hưng Thịnh (SN 2006) quê gốc ở miền Trung, theo gia đình sang Bulgaria từ khi còn nhỏ. Bố mẹ em luôn có một tình yêu mãnh liệt với quê hương, Tổ quốc nên luôn hướng con giữ gìn tiếng Việt, cội nguồn của mình. Gia đình Thịnh có truyền thống làm nghề giáo cũng như có bà và bố mẹ đều rất yêu những vần thơ Việt Nam nên Thịnh lớn lên ở xứ người nhưng thuộc rất nhiều thơ, ca Việt Nam.
Năm 2023, Hưng Thịnh lần đầu tiên được trở lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, em đã dành thời gian thăm gia đình, người thân và cùng nhiều người bạn cũng là thế hệ kiều bào trẻ đang sinh sống, học tập tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Trong đó, em đã có dịp quay lại Hà Tĩnh – mảnh đất nơi bố mẹ mình sinh ra.
Suốt hành trình đi dọc đất nước thân yêu, Thịnh đã sáng tác bài thơ Dặm dài đất nước: "Cảm ơn đất nước quê hương/ Dang tay chào đón yêu thương đồng bào/ Dù cho xuôi ngược phương nào/ Việt Nam hai tiếng tự hào nơi đây".
Thông qua bài thơ, Thịnh muốn thể hiện tình yêu với quê hương và sự tri ân lịch sử anh hùng của dân tộc ta. Bài thơ này được Thịnh thể hiện trong Cuộc thi Tài năng trẻ tiếng Việt trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2023 và giành được giải Nhì.
"Em nghĩ rằng, đã là một người con đất Việt thì phải biết sử Việt, tiếng Việt và quê hương Việt Nam. Với bề dày hàng ngàn năm, Việt Nam không thua kém gì bất cứ quốc gia hùng mạnh nào khác", Hưng Thịnh chia sẻ đầy tự hào.
Chia sẻ thêm về khả năng nói tiếng Việt trôi chảy, sử dụng ngôn từ đa dạng, biết sáng tác thơ ca… của bản thân, Thịnh khẳng định, em giữ được gốc gác, được tiếng nói thuần Việt của mình hoàn toàn là do bố mẹ dạy dỗ hàng ngày. Những câu chuyện của bố về chiến tranh, về xây dựng đất nước và lời thơ của mẹ đã thấm vào em, cứ thế lớn dần theo năm tháng.
Lại Khánh Vy (SN 2004) cũng trở về Việt Nam năm 2023 cùng Hưng Thịnh. Cô gái này có giọng hát trong trẻo, dễ thương, khi thể hiện ca khúc “Tôi là người Việt Nam”, Khánh Vy khiến nhiều người phải rưng rưng xúc động.
Khánh Vy chia sẻ, em sang Bulgaria từ năm 10 tuổi. Bố mẹ Khánh Vy sợ con gái quên tiếng Việt nên khuyến khích con đọc sách, học hát các bài tiếng Việt, tham gia các hoạt động cộng đồng nói tiếng Việt.
Lại Khánh Vy thể hiện ca khúc "Tôi là người Việt Nam" trong Trại hè Việt Nam năm 2023.
“Em xa Việt Nam khi đã học xong cấp 1 nên vốn từ vựng của em phong phú hơn so với nhiều bạn sinh và lớn lên ở Bulgaria hay các nước khác. Tuy nhiên, nếu không sử dụng hàng ngày, vốn tiếng Việt đó cũng sẽ bị mai một. Bố mẹ đã sưu tầm, nhờ người mua sách bên Việt Nam gửi sang và đọc cùng em. Khi nào gặp chỗ không hiểu, bố mẹ sẽ giải thích lại. Vì vậy, mặc dù xa xứ nhưng vốn tiếng Việt của em ngày một lớn thêm”.
Khác với Hưng Thịnh và Khánh Vy, Nguyễn Mỹ Hà My (SN 2005) sinh ra và lớn lên ở Bulgaria. Hà My bày tỏ: “Em lớn lên ở đất nước khác nhưng luôn hướng về Tổ quốc nhờ vào sự bồi đắp tình yêu của bố mẹ. Nếu như những lớp học tiếng Việt tạo nền tảng, bệ đỡ để tiếng Việt lan tỏa rộng khắp với thế hệ thứ 2, thứ 3, thì gia đình chính là sợi dây kết nối chúng em với quê hương qua ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chính bố mẹ, ông bà sẽ là người khơi gợi lên được cho con cháu lòng yêu quý Việt Nam, mong muốn tìm hiểu, khám phá về đất nước, con người Việt Nam. Khi đó sẽ tạo ra được sự hào hứng muốn học tiếng Việt với các thế hệ sau”.