Người Việt Nam có câu “Đầu voi đuôi chuột” được dùng trong nhiều hoàn cảnh. Đại ý của nó không ngoài việc bắt đầu hoành tráng nhưng kết thúc lại gây thất vọng lớn. Và nếu gắn điều đó với câu chuyện về ngành điện ảnh Việt Nam có lẽ cũng chẳng quá sai lệch.

Không phủ nhận những nhà làm phim Việt Nam đang cố gắng mang đến cho khán giả những sản phẩm tốt nhất. Từ những bộ phim làm lại của nước ngoài hay sự kết hợp với các ngôi sao, đạo diễn nổi tiếng không ngoài việc nâng cao tinh thần học hỏi, cầu tiến và mong muốn đưa nền công nghiệp làm phim của Việt Nam sớm có ngày hòa nhập với thế giới.

Có thể nói nôm na ngành làm phim cũng mang tính dịch vụ bởi điểm mấu chốt cũng là lấy sự hài lòng của khán giả làm thước đo cho sự thành công. Tuy nhiên cũng như các ngành khác, hạn chế của dịch vụ chăm sóc khách hàng tại Việt Nam chính là sự duy trì trong suốt một thời gian dài.  

Đã gần nửa năm phát sóng nhưng Gia đình mình vui bất thình lình vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ kết thúc. Trái với sự háo hức chào đón ban đầu, giờ đây khán giả Việt Nam chỉ mong phim kết thúc cho nhanh để không bị ức chế thêm về tinh thần. Và tôi thấy tiếc vì bộ phim đi vào vết xe đổ của nhiều bộ phim khác đó là 'đầu voi đuôi chuột'.

'Gia đình mình vui bất thình lình' các tập gần đây quá nhiều bi kịch và nước mắt. 

Đành rằng bộ phim khá thành công khi khai thác đề tài gia đình Việt Nam với nhiều thế hệ, những câu chuyện rất đời thường nhưng chính việc đi quá đà khiến khán giả mệt mỏi. Như một lẽ thường, món ăn dù ngon đến mức nào nếu không có sự mới mẻ cũng trở nên nhàm chán.

Và cái khó của một bộ phim đã kéo dài 5 tháng là làm sao giữ được khán giả sự trông chờ, háo hức như ban đầu. Điều này là vô cùng khó bởi nó đòi hỏi cái tài của cả ê-kíp, sự tính toán chính xác của nhà sản xuất và tài diễn xuất của dàn diễn viên. Nhưng hội đủ các yêu cầu đó với một bộ phim truyền hình Việt Nam lúc này là đòi hỏi hơi quá sức.

'Gạo nếp gạo tẻ' từng rất hot nhưng cũng gây bức xúc kéo dài cho khán giả .

Chợt nhớ về một bộ phim cũng từng làm mưa làm gió một thời là Gạo nếp gạo tẻ. Khán giả biết đến phim này bởi nội dung gần gũi, diễn viên tốt. Thế nhưng khi nhận thấy Gạo nếp gạo tẻ đang tạo cơn sốt thì nhà sản xuất đã kéo bộ phim dài lê thê dù nội dung không có gì đột phá.

Dẫu biết phim nào cũng có nhân vật phản diện nhưng suốt nhiều tháng vẫn cứ phải chứng kiến “người mình ghét” làm những chuyện sai trái mà cứ sống ung dung khiến khán giả cũng bức xúc. Và khi nhận ra phản ứng khán giả có phần không tốt bộ phim lại kết thúc một cách vội vàng đến hụt hẫng. Nói như nhiều người xem, "phim cả trăm tập rồi muốn hết là hết".  

Thực ra trong thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội phát triển như vũ bão, không khó để nhà sản xuất nắm bắt được thị hiếu khán giả. Chỉ cần có sự quan tâm thì mối liên kết giữa những người làm phim với khán giả sẽ được kết nối một cách gần gũi. Việc đó giống như như người sản xuất - người bán hàng đang chăm sóc những thượng đế của mình, mục tiêu không ngoài việc mang đến sự hài lòng cao nhất.

Chính những nhà sản xuất, đạo diễn… hãy đặt mình vào khán giả chứ không chỉ để tâm trí vào bộ phim. Hãy đóng vai là khán giả để cảm nhận một cách khách quan rằng bộ phim hay dở chỗ nào, kéo dài như thế nào là tốt?...

Một thực tế là mức độ cảm nhận hay cái “trình” xem phim của khán giả Việt Nam đã được nâng lên khá nhiều sau khi có điều kiện tiếp xúc với những tác phẩm chất lượng của thế giới. Cho nên dù là một bộ phim truyền hình không quá nhiều kỹ xảo nhưng vẫn cần lắm sự chỉn chu về nội dung, sự liền mạch về cảm xúc để cho những cảm nhận ban đầu không bị phai nhạt dần, thậm chí đến mức khó chịu. Phải làm sao để người xem luôn háo hức theo dõi các tập xem, lắng đọng khi kết thúc và thậm chí chút tiếc nuối, đấy mới gọi là thành công.

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam ghi nhận sự thành công của không ít bộ phim truyền hình để lại dư âm tốt. Tuy vậy hạn chế vẫn còn đó khi mà hình ảnh “đầu voi đuôi chuột” vẫn còn tiếp diễn từ phim này qua phim khác. Tất nhiên khi đó khán giả khó mà hài lòng được. Và khi khán giả chưa hài lòng thì bộ phim ấy dù dài tới đâu, mở đầu hay như thế nào cũng không gọi là thành công được.  

Hoàng Thông 

Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!