Zing trích dịch bài đăng từ Telegraph, đề cập đến những ngày tháng không nhà, không cửa của một gia đình trung lưu ở Anh dù họ kiếm được tiền, có thu nhập ổn định.
“Chúng tôi đi từ ‘không bao giờ sống trong căn lều đó’ đến ‘ơn trời vẫn còn cái lều để trú tạm’. Chúng tôi quá quẫn trí vì lo nghĩ”, Matthew Pigott (48 tuổi) thừa nhận.
Đối với bất kỳ ai nghĩ rằng vô gia cư chỉ xảy ra với một số đối tượng nhất định, thực tế về một gia đình trung lưu 4 người bỗng chốc không nhà không cửa, ngay cả trước khi Covid-19 ập đến, sẽ khiến họ bất ngờ.
Matthew và Heidi cùng 2 con trai. Ảnh: Telegraph. |
Cuối năm 2019, dữ liệu từ tổ chức từ thiện Shelter cho thấy gần 3 triệu người ở Vương quốc Anh đứng trên bờ vực vô gia cư. Con số này tăng mạnh kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết người lao động ở Anh phải chịu tác động rõ ràng nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra.
Thống kê gần đây của YouGov cho thấy 14% hộ gia đình có thu nhập trên 60.000 bảng Anh/năm (khoảng 80.500 USD) cảm thấy lo lắng về viễn cảnh vô gia cư trước tình hình kinh tế năm 2020.
Nhiều người quyết định bỏ bữa, cắt giảm lượng thực phẩm và loại bỏ những hoạt động giải trí không cần thiết để đủ tiền thuê nhà và trả khoản thế chấp.
Đối với Matthew và vợ là Heidi Blake (50 tuổi), một tiếp viên hàng không với 30 năm kinh nghiệm, đại dịch càng làm trầm trọng thêm mối đe dọa về viễn cảnh vô gia cư vốn đã đeo bám họ suốt một năm qua.
Bất ngờ bị đuổi khỏi nhà
Tháng 5/2019, gia đình nhà Matthew và Heidi bất ngờ bị đuổi khỏi căn nhà 4 phòng ngủ ở Stamford (Anh) mà họ đã sống suốt 6,5 năm qua theo thông báo trục xuất mục 21 từ phía chủ đất.
Lều tạm trú của người vô gia cư trên đường phố nước Anh. Ảnh: Getty. |
Thông báo không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào. “Ngay cả khi bạn là người thuê nhà tốt nhất thế giới, bạn vẫn có thể bị đuổi ra ngoài vì bất kỳ lý do gi”, Matthew kể lại.
Theo luật, Matthew, Heidi cùng 2 con trai lần lượt 11 và 14 tuổi có 2 tháng để chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, do anh đã nộp đơn phá sản gần 6 năm trước đó, không một đại lý bất động sản nào cho gia đình họ thuê nhà.
“Do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, doanh nghiệp quan hệ công chúng vốn thành công của tôi bị thua lỗ lớn. Năm 2013, kế toán đã khuyên tôi nên nộp đơn phá sản để xóa một số khoản nợ”, Matthew kể lại.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ngôi nhà đi thuê ở Stamford của họ không bị đòi lại. Chỉ đến khi họ tìm một nơi ở mới, điểm tín dụng kém của hai vợ chồng mới thành trở ngại.
“Mọi đại lý bất động sản đều nói rằng họ cần kiểm tra tín dụng của Heidi và tôi kỹ càng. Ngay cả đại lý ở Stamford - người biết rằng rõ chúng tôi luôn trả tiền thuê nhà đúng hạn suốt 6,5 năm qua - cho biết kể cả hai vợ chồng kiếm được 100.000 bảng Anh cũng chẳng có nghĩa lý gì khi điểm tín dụng thấp”, Matthew cho biết.
Mãi tới tháng 9, lệnh phá sản của Matthew mới được xóa bỏ, từ đó hồi phục tín dụng, giúp gia đình có thể tìm được chỗ ở mới. Do vậy, hai vợ chồng cố gắng kéo dài thời gian.
Tuy nhiên, dù đã xin tư vấn pháp lý từ tổ chức từ thiện Shelter và ra tòa kiện cáo, họ vẫn phải rời căn nhà ở Stamford vào cuối tháng 2.
Nhiều gia đình không nhà, không cửa buộc phải sống trong căn hộ một phòng với diện tích rất nhỏ, bí bách. Ảnh: Shelter. |
Matthew và Heidi tiếp cận Hội đồng quận South Kesteven ở Grantham để tìm nơi tạm trú nhưng bất thành. Hầu hết căn hộ đều quá bé cho một gia đình 4 người.
“Vài căn nhà bẩn thỉu và nhỏ bé đến mức khó có thể tưởng tượng ra người nào có thể ở một mình tại đó, chứ đừng nói là 4 người”, Heidi kể lại.
Ai cũng có thể trở thành vô gia cư
Một tuần trước hạn ra khỏi nhà, Matthew và Heidi cuối cùng cũng nhận được chỗ ở mới từ Hiệp hội Nhà ở. Nơi đây chỉ cách trường học của lũ trẻ khoảng 16 km.
“Ngôi nhà chỉ có 2 phòng ngủ nhỏ, nhưng lúc đó chúng tôi tuyệt vọng đến mức chấp nhận mọi đề nghị được đưa ra. Hơn nữa, nếu như từ chối, đơn xin cấp chỗ ở của gia đình tôi sẽ bị chuyển xuống cuối danh sách và phải tiếp tục đợi đến lượt, mà chúng tôi thì không còn nhiều thời gian”, Heidi chia sẻ.
Cô nói thêm: “Và rồi Covid-19 bất ngờ ập đến. Hiệp hội từ chối giao tài sản cho chúng tôi mặc dù việc sửa chữa đã hoàn thành. Họ cũng không đưa ra một cái hẹn cụ thể”.
Nước Anh ghi nhận hàng triệu người vô gia cư, phải sống ngoài đường phố. Ảnh: stellapicsltd. |
Cuối cùng, gia đình 4 người buộc phải chuyển đến sống cùng mẹ của Heidi (71 tuổi) và bố dượng của cô (76 tuổi). Mỗi ngày, lũ trẻ tới trường mất 80 km cả đi cả về, cho đến khi được học online tại nhà.
Tuy nhiên, do mẹ và bố dượng của Heidi là đối tượng dễ bị tổn thương trong mùa dịch, cả gia đình hiểu rằng họ cần phải rời đi.
Trong những tháng tiếp theo, họ lang bạt khắp nơi, thuê nhà nghỉ rẻ tiền hoặc tới sống nhờ họ hàng. Matthew và Heidi tranh thủ tiết kiệm tiền để đặt cọc thuê nhà trong khi chờ đợi lệnh phá sản được dỡ bỏ để họ có thể sớm tìm chỗ ở ổn định.
Hiện, trước thềm Giáng sinh, gia đình họ đã may mắn tìm được ngôi nhà mới. “Một năm biến động vừa qua là lời nhắc nhở chúng tôi rằng tình trạng vô gia cư thực sự có thể xảy ra với bất kỳ ai”, Heidi nói.
Khách sạn Paris mở cửa chào đón người vô gia cư
Nằm ở vị trí đắc địa với tầm nhìn ra tháp Eiffel nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch, khách sạn mở cửa cho những người vô gia cư.
Theo Zing