2 giờ sáng tại “xứ sở vạn đảo”, cậu bé Hải Lâm lơ mơ thức giấc sau tiếng gọi của mẹ. Chị Mỹ Hạnh (32 tuổi, Hà Nội) mặc áo khoác ấm cho con, rồi cả gia đình lên đường đến điểm tập kết dưới chân núi Batur để chuẩn bị đón một trải nghiệm rất đặc biệt mà cả nhà đã ấp ủ mong muốn thực hiện từ lâu: đi đón "nữ thần mặt trời" ở núi lửa Batur, Indonesia.

Hải Lâm bắt đầu được ba mẹ cho đi du lịch từ 6 tháng tuổi. Đến hiện tại khi được hơn 3 tuổi, Hải Lâm đã vi vu qua 16 tỉnh, thành phố; được khám phá thiên nhiên xinh đẹp và trải nghiệm những hoạt động thú vị. Ba mẹ của Hải Lâm là những người mê xê dịch. Dù đều là công chức bận rộn, nhưng gia đình luôn cố gắng thu xếp thời gian và tận dụng mọi cơ hội để có những chuyến đi cùng nhau.

Ngay khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, các nơi mở cửa du lịch trở lại, Hải Lâm đã được ba mẹ lên kế hoạch cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của cậu bé. Điểm đến mà gia đình nhỏ lựa chọn là đảo Bali, Indonesia, bởi hòn đảo xinh đẹp này có vị trí gần, di chuyển không vất vả, cũng là nơi có chính sách nhập cảnh khá dễ dàng.

Gia đình nhỏ bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 6 ngày

Đất nước Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, sở hữu số lượng núi lửa đang hoạt động nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Núi lửa là một “đặc sản” được người Indo tận dụng để phát triển du lịch và trở thành điểm sáng thu hút rất đông du khách quốc tế. Trên đảo Bali có 2 ngọn núi lửa vĩ đại là Agung và Batur- đều là những ngọn núi lửa đang hoạt động. Nếu núi Agung được xem là khu vực thiêng liêng và nguy hiểm hơn thì núi lửa Batur nhỏ hơn và được chính quyền địa phương cho phép khai thác đa dạng hoạt động du lịch như trekking lên núi, nấu ăn tại các khe nứt, tắm suối nước nóng, khám phá vùng nham thạch đen...

Trong chuyến đi 6 ngày tại Bali, ngoài các hoạt động thông thường như đi tham quan, tắm biển…ba mẹ Hải Lâm quyết định sẽ con đi trải nghiệm ngắm mặt trời mọc tại núi lửa Batur. Trước tour núi lửa, chị Mỹ Hạnh trò chuyện với Hải Lâm về điểm đến mới mẻ này, giải đáp một số câu hỏi tò mò của cậu như núi lửa là gì, tại sao lại đi chơi núi lửa, núi lửa nóng thế thì có đáng sợ không?…và cho cậu xem bức ảnh chiếc xe Jeep sẽ đưa cả nhà đi. Hải Lâm rất yêu thích các loại xe nên tỏ ra vô cùng thích thú và gọi đó là “xe tải quái vật”. Em bé có lẽ cũng không hiểu và nhớ hết được mọi điều mẹ nói nhưng rất hào hứng và hợp tác bằng cách đi ngủ sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho hành trình đặc biệt này.

Đi cùng con nhỏ nhưng vẫn muốn đón bình minh trên núi lửa, gia đình chị Hạnh đã tìm hiểu và được biết nếu không đi bộ thì vẫn có thể lên núi bằng tour xe địa hình (Jeep tour). Giá tour khá hợp lý, dao động từ 600-800 nghìn đồng/người lớn, trẻ em được miễn phí. Việc mua tour cũng rất đơn giản, du khách có thể thanh toán trên một số nền tảng du lịch trực tuyến phổ biến hoặc mua trực tiếp thông qua lễ tân khách sạn, tài xế bản địa...

Sau khi mua tour, gia đình chị Hạnh được tài xế liên hệ trước qua Whatsapp và hẹn 2 giờ sáng đến đón. Khoảng 3 rưỡi thì đến điểm tập kết ở chân núi để chuyển sang xe Jeep. Những chiếc xe địa hình này rất khoẻ và gọn, chỉ chở 2 khách mỗi xe.

Buổi sáng trên núi khá lạnh, chỉ khoảng 15 độ C. Hải Lâm được mẹ chuẩn bị đầy đủ áo giữ nhiệt, áo khoác, tất, mũ, găng tay. Còn vợ chồng chị Hạnh thì sử dụng dịch vụ cho thuê áo ấm ngay tại Batur với giá mỗi chiếc 50 nghìn rupiah Indonesia (khoảng 84 nghìn Việt Nam đồng).

Chiếc xe Jeep len lỏi trên con đường mòn nhỏ xíu và khá xóc, đưa gia đình nhỏ lên điểm ngắm cảnh ở gần đỉnh núi. Nếu muốn ngắm cảnh từ trên đỉnh núi sẽ phải đi bộ Trekking. Tuy nhiên ở vị trí dừng của xe Jeep cũng rất đẹp. Tài xế kiêm tour guide lấy ra một băng ghế gỗ dài để mọi người ngồi đợi bình minh.

Khoảng 4 giờ 30 phút, không gian vẫn chìm trong bóng tối, chỉ có ánh đèn pin le lói của những đoàn trekking và các xe Jeep khác. Nhưng chỉ khoảng 30 phút sau, rất nhanh, chân trời phía đông chuyển màu tím, rồi dần ửng hồng và chuyển sang màu cam, rồi đỏ rực như lửa. Lúc này mọi người bắt đầu nhìn thấy rõ cảnh vật xung quanh. Nổi bật nhất là một hồ nước khổng lồ như tấm gương phản chiếu cả trời đất, bao quanh là nhiều dải núi nhấp nhô xen lẫn làng mạc nhỏ xinh.

Có khoảng gần 50 chiếc xe Jeep xếp thành hàng dài nơi lưng chừng núi Batur. Hàng trăm du khách quốc tế với đủ mọi quốc tịch, màu da…thong thả chuyện trò, chụp ảnh “sống ảo” hoặc đi dạo quanh ngắm cảnh. Trong tour có kèm cả ăn sáng, nếu ai thích có thể nhờ tài xế phục vụ luôn trong lúc này. Bữa sáng bao gồm bánh mỳ lát, bơ, trứng luộc, cà phê hoặc ca cao nóng – đều là những món rất bình thường, nhưng dường như ngon hơn nhiều khi được thưởng thức giữa khung cảnh ngoạn mục.

Tới 5 giờ hơn, “nữ thần mặt trời” bắt đầu từ từ nhô lên khỏi rặng núi, mang ánh sáng rực rỡ bao phủ khắp cả vùng rộng lớn. Gia đình Hải Lâm đã cùng nhau ngắm bình minh ở nhiều nơi, thế nhưng vẫn xúc động đến lặng đi trước cảnh tượng đó. Một phần vì địa điểm rất đặc biệt và không dễ gì gặp thường xuyên: ngọn núi lửa giống như một người khổng lồ có quyền năng to lớn và dữ dội nhưng lúc này hoàn toàn hiền lành, vô hại. Mặt khác, đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau hai năm Covid-19 hoành hành, cảm giác được sống và sống bình thường như trước đây khiến ai nấy đều thực sự hạnh phúc.

Cậu bé Hải Lâm ngồi ngoan ngoãn trên đầu xe Jeep, trong vòng tay của ba mẹ và chiêm ngưỡng quả cầu lửa hướng dần lên bầu trời. Trái với lo lắng của mẹ, Hải Lâm không hề buồn ngủ hay cáu gắt mà tràn trề năng lượng. Cậu còn chủ động tạo dáng đáng yêu và bảo “Mẹ chụp ảnh em đi”, rồi chạy lăng xăng bắt chuyện bằng tiếng Việt với các tài xế và du khách khác.

6 ngày ở Bali, cả gia đình Hải Lâm không phải thất vọng chút gì về cảnh đẹp và dịch vụ du lịch của nước bạn. Mặc dù ở các điểm “check-in” nổi tiếng đều rất đông, phải xếp hàng dài, nhưng ý thức của mọi người đều tốt, kiên nhẫn chờ đến lượt. Gia đình cậu bé không đi đúng theo lịch trình dự kiến mà bỏ qua khá nhiều điểm đến để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho mọi thành viên.

Trở về sau chuyến đi Bali, gia đình nhỏ dự định sẽ tiếp tục cùng nhau có thêm nhiều chuyến đi nữa như tới miền Tây, thăm mùa lúa chín Mù Cang Chải hay du lịch Nhật Bản…nhưng không đặt ra thứ tự hay danh sách những nơi phải đi mà sẽ tận dụng mọi khoảng thời gian sắp xếp được để xê dịch. Miễn là đi cùng nhau và để Hải Lâm có một tuổi thơ thật nhiều màu sắc, thật nhiều trải nghiệm khó quên.

Những kinh nghiệm của chị Mỹ Hạnh khi đi du lịch cùng con nhỏ:

- Đi cùng con nhỏ thì vấn đề lớn đầu tiên là phải chuẩn bị hành lý kỹ càng, cầu kỳ. Ví dụ như về quần áo, luôn tham khảo dự báo thời tiết nơi đến trong cả tuần, chuẩn bị 1 đôi giày và 1 đôi dép loại nhẹ và bền, êm chân…Không mang đồ quá dày mà mang kiểu nhiều lớp, cởi dần ra được.

- Đối với em bé khoảng 3 tuổi trở lên, nên mua cho bé một vali/túi kéo loại nhỏ, cho bé chọn hình bé thích và để bé tự mang một số đồ của mình, rèn tính tự lập, chủ động.

- Không mang những thứ khách sạn có sẵn hoặc dễ dàng mua ngoài phố để hành lý được gọn nhẹ nhất có thể.

- Nhất thiết phải có kem chống nắng loại dành cho trẻ em, bôi kỹ cho con 30 phút trước khi ra ngoài. Kem chống nắng không phải chỉ để chống đen da, mà còn bảo vệ con trước nhiều tác nhân có hại khác.

- Chuẩn bị sẵn một số loại thuốc đơn giản như hạ sốt, tiêu chảy, bông băng cá nhân, xịt chống côn trùng.

- Nếu đi nước ngoài thì nên mua bảo hiểm du lịch cho tất cả các thành viên, đề phòng trường hợp đột xuất phải vào bệnh viện hay có tình huống phát sinh.

Ảnh: NVCC

Em bé 4 tuổi bay dù lượn trên đỉnh đèo Khau PhạLần đầu tiên Minh Khôi được ba mẹ cho đi du lịch Mù Cang Chải (Yên Bái). Trong cả hành trình, điều thu hút cậu bé 4 tuổi nhất là hình ảnh những cánh dù nhiều sắc màu, chao nghiêng bay lượn trên bầu trời.