Theo ước tính, Việt Nam xuất khẩu 20.000 tấn hạt tiêu trong tháng 1 đầu năm nay, thu về 79 triệu USD. So với tháng 1/2023, lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh 60,2% và tăng tới 83,9% về giá trị.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 ước đạt 3.953 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2023 và tăng 14,8% so với tháng 1/2023.
Đáng chú ý, giá hạt tiêu trong nước đang tăng nóng thời gian qua. Hôm nay (21/2), giá loại hạt được ví như “vàng đen” này của nước ta vọt lên ngưỡng 86.500-89.500 đồng/kg tuỳ nơi; hạt tiêu trắng có giá 111.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức giá 92.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2023.
Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng do nguồn cung hạn chế, trong khi doanh nghiệp vẫn có nhu cầu mua để đảm bảo tiến độ xuất khẩu.
Giá hạt tiêu toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng trong quý I/2024 khi Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm ở các nước sản xuất chính. Điều kiện thời tiết bất lợi do hiện tượng El Nino gây ra đang ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch tiêu.
Dự kiến, thiếu hụt sản lượng hạt tiêu toàn cầu vào năm 2024 do biến đổi khí hậu và không có nhiều diện tích trồng mới ở các nước sản xuất lớn trong những năm gần đây. Trong đó, thời tiết đang khô hạn ở Brazil và những đợt mưa lớn kéo dài tại vùng Tây Nguyên cùng các tỉnh phía Nam của nước ta sẽ tác động, làm giảm sản lượng hạt tiêu trong thời gian tới.
Số liệu từ Bộ NN-PTNT, diện tích trồng hạt tiêu tại Việt Nam năm 2023 đạt 115 nghìn ha, giảm 5.000ha so với năm 2022. Sản lượng năm 2023 đạt 190 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2022.
Vụ thu hoạch hạt tiêu năm 2024 đã bắt đầu tại một số huyện của tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên lượng thu hoạch rải rác tại một số huyện và chưa nhiều.
Đáng nói, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vụ thu hoạch năm 2024 chậm hơn năm 2023. Dự kiến sản lượng hạt tiêu của nước ta năm 2024 chỉ đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023.
Hiện, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Năm vừa qua, nước ta xuất khẩu hạt tiêu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines...
Theo đó, nguồn cung mặt hàng “vàng đen” này của nước ta sẽ có tác động lớn lên thị trường toàn cầu. Giá hạt tiêu thế giới vẫn sẽ duy trì ở mức cao ngay cả khi Việt Nam bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Bởi, năm nay, người trồng hồ tiêu ở nước ta không ồ ạt bán ra như những vụ trước do có sự hỗ trợ của giá nông sản khác như sầu riêng, cà phê tăng cao.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cho biết, cước tàu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn khi căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ta gần như chỉ mua cầm chừng để giao cho các đơn hàng đã ký kết. Đồng thời, chờ đợi lượng hàng thu hoạch nhiều hơn để có thể mua giá tốt hơn.
Bà Liên nhận định, trong năm 2024, ngành hồ tiêu Việt nhiều khả năng vẫn sẽ khai thác tốt thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU và các thị trường tiềm năng khác. Với vị thế là nguồn cung hồ tiêu số 1 thế giới nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo, hồ tiêu Việt Nam sẽ thuận lợi khi thâm nhập vào các thị trường.
Đặc biệt, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay. Bởi, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu hàng năm của Trung Quốc khoảng 65.000-70.000 tấn. Thông thường sau Tết nguyên đán, Việt Nam vào kỳ thu rộ cũng là lúc thương nhân Trung Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn hàng.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ hai cho thị trường này. Theo đó, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022, lên 36,57% trong năm 2023.
Năm 2024, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng so với năm 2023. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu của nước ta.