Giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến
Chiều 28/3, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết thời gian qua Bộ đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư cho 1 km đường ô tô cao tốc.
Cũng theo Bộ trưởng, 61/63 tỉnh thành đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; 63 tỉnh thành thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công; 58/63 tỉnh đã ban hành giá ca máy.
Bộ trưởng Nghị nhấn mạnh, hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng; phương pháp xây dựng định mức, suất vốn đầu tư… được rà soát, bãi bỏ hoặc ban hành mới bám sát hơn, góp phần tạo thị trường minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, do các tác động tiêu cực trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động.
Trong khi đó, với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng lại xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn, Bộ trưởng Nghị cho hay.
Do đó, Bộ trưởng mong muốn lắng nghe các đánh giá, kiến nghị thẳng thắn từ tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan quản lý về vấn đề quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng trong các công trình xây dựng hiện nay, đặc biệt là đối với các công trình dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông.
Các khó khăn, vướng mắc nêu ra sẽ làm cơ sở để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
Nhiều địa phương chậm công bố chỉ số giá xây dựng
Cũng tại hội nghị, ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết, vừa qua do dịch Covid-19 kéo dài, chiến tranh thương mại cùng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu có nhiều biến động, tăng, khó dự báo.
Điều này, theo ông Biên, đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu và các chủ thể liên quan trong công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng.
Lãnh đạo Cục Kinh tế xây dựng đã chỉ ra một số nhóm khó khăn, vướng mắc nổi cộm, cần giải pháp tháo gỡ. Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng định mức.
Thứ hai là nhóm vấn đề về tổ chức xác định, công bố giá xây dựng tại các địa phương. "Vẫn còn tình trạng một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng thực hiện theo quý, công bố chậm, giá cả chưa kịp thời, chưa bám sát diễn biến thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu...", ông Biên cho biết.
Việc chậm công bố giá các yếu tố đầu vào và chỉ số giá xây dựng của các địa phương dẫn đến thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong công tác thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu đang triển khai.
Bên cạnh đó theo vị này, một số địa phương có phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18 giao cho các địa phương xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần. Đồng thời xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021-2025.
Với nguồn lực hạn chế, chi phí đầu tư xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, kế hoạch đầu tư cho từng dự án (như đường bộ cao tốc, sân bay Long Thành, cảng biển...).
(Theo Dân trí)
Một tháng 6 lần tăng giá, thép còn phi mã đến đâu
Các doanh nghiệp sản xuất thép thông báo, từ ngày 31/3, giá thép tiếp tục tăng. Đây là lần thứ 6 giá thép tăng liên tiếp trong vòng 1 tháng qua.