- “Cũng giống như bàn tay có những ngón dài ngắn, tôi không bao giờ trách về sự không thành công của con, lại càng không để con buồn vì những sự không thành công ấy. Nếu cuộc đời chỉ sống với hai từ “giá như” sẽ rất vất vả”.

 
 

Có nói chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương mới thấu rõ tình yêu tuyệt đối mà ông dành cho hai người con trai của mình. Kể từ năm 1970, khi cậu con trai cả Vũ Hà Văn ra đời, ông bắt đầu viết nhiều hơn những bài thơ dành cho con. Cho đến khi cả hai con đã giỏi giang, thành đạt, ông vẫn giữ thói quen ấy như để nhắc nhớ lại những kỷ niệm. 

Tác giả của áng thơ “Áo đỏ” có con trai cả là Vũ Hà Văn, Giáo sư Toán học hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Yale (Mỹ). Cậu con trai út là Vũ Thanh Điềm cũng từng là thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia của hãng Google.

{keywords}
Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương. Vợ chồng GS Vũ Hà Văn (trái).

Ông tích cực tạo bầu không khí thích chữ nghĩa cho con. Trong căn nhà rộng chừng 15m2 của gia đình lúc bấy giờ có tới ba thế hệ cùng sinh sống. Dù chật chội nhưng ông vẫn cố gắng tạo cho con một góc học tập riêng. Và thế là khoảng khe hẹp tạo bởi bức tường nhà và cánh cửa khi mở ra vừa đủ chỗ cho Văn và Điềm học tập.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thủ thỉ: “Văn bộc lộ tố chất học toán từ khi còn rất nhỏ. Ví như khi hai mẹ con đang đi trên đường, Văn nhận thấy rằng dù là số bên chẵn hay bên lẻ, cứ cộng hai số nhà cạnh nhau sẽ tạo ra một số chẵn. Những tư duy hợp logic đó xuất hiện từ rất sớm. Sau này, khi Văn lên lớp 1, cô giáo cũng nói rằng, con có tư duy Toán học tốt. Bố mẹ nên đi tìm một trường chuyên cho con theo học”.

“Bố hứa bắt cho con con ve
Ve chưa kịp bắt đã qua hè
Mùa sau con lớn chơi trò khác
Bố một mình bên cây lắng nghe”

 

Còn chiếc bàn học khi ấy cũng chỉ là một cái thùng giấy úp ngược. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đặt rất nhiều sách trong đó. Ông bảo, đó là cách rèn cho con thói quen đọc. Đọc sách vừa để giải trí, vừa để tích lũy kiến thức về sau. Từ việc tìm hiểu bất đắc dĩ, lâu dần sẽ gây thích thú và trở thành nền tảng kiến thức ban đầu cho con. Những cuốn sách được ông đặt vào thường là những trang truyện cổ tích bồi đắp tâm hồn dân tộc hay truyện cổ Hi Lạp giúp con biết văn minh thế giới phương Tây,…

Dù rất kì vọng, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương ít khi đặt áp lực cho con. Đích đến cuối cùng, ông bảo, là khiến những đứa trẻ lớn lên luôn cảm thấy hạnh phúc.

“Cũng giống như bàn tay có những ngón dài ngắn, tôi không bao giờ trách về sự không thành công của con, lại càng không để con buồn vì những sự không thành công ấy. Nếu cuộc đời chỉ sống với hai từ “giá như” sẽ rất vất vả”.

Cũng bởi triết lý ấy mà giờ đây, dù đã gần 80 tuổi nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn cảm thấy tự xấu hổ vì đã từng đánh con. “Sau cái lần ấy, tôi không bao giờ làm điều đó nữa. Khi đánh con là do xuất phát từ sự nóng giận, thiếu kiểm soát. Nhìn con đau đớn, tôi thấy mình thật ác. Đòn roi có thể khiến cha mẹ nhanh chóng đạt được mục đích nhưng lại làm đứa trẻ bị tổn thương”.

Ông thừa nhận, dạy con cũng chính là cách dạy mình. Kẻ nóng nảy phải học cách giữ bình tĩnh và làm chủ cảm xúc. Người yêu thương phải học cách khéo léo để không tạo ra sự ỉ lại, vòi vĩnh cho con. Do vậy, dạy con vừa dễ lại vừa khó.

Quan tâm đến việc học của con, cho nên đến tận bây giờ, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn nhớ như in tên từng người thầy đã dạy con mình. Ông cho rằng, không ai khác, người thầy có vai trò quan trọng nhất trong việc dạy dỗ một đứa trẻ nên người. Cũng chính thầy là người đã tạo ra những tài năng.

“Thời còn đi học, tôi được thầy giáo giao cho một chức vụ quan trọng là mỗi sáng tạt vào nhà ôm giúp thầy cái phích nước ra đình làng. Cái chức đó khiến tôi cảm thấy hãnh diện lắm! Nói vậy để thấy rằng vai trò người thầy khi ấy rất được trọng vọng. Thầy được chúng tôi tôn kính tới mức thần thánh hoá, như thể một thế giới mà mình không thể với tới được.

Đến khi Văn và Điềm đi học, tôi dạy lại hai con như thế! Tôi nhớ, người thầy ảnh hưởng nhất tới Văn là thầy Tôn Thân. Thầy đã đánh thức những khám phá và sự say mê tìm tòi bản chất toán học của trẻ. Cùng với thầy Tôn Thân có thầy Quán, thầy Bình. Tôi đã từng chuyển trường cho con đến Trưng Vương chỉ để con được học những người thầy giỏi đó. Tôi nghĩ rằng, người thầy có vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của con”.

Nhật ký là thứ “lương khô” làm vơi đi nỗi nhớ

Thứ gia tài đáng giá nhất với nhà thơ Vũ Quần Phương bây giờ, ngoài những vần thơ, chính là hai cậu con trai tài giỏi. Nhưng ông vẫn không thôi trở trăn về nỗi niềm cô đơn. Sáu tuổi mồ côi cha. Mười tuổi đi xa nhà. Đến khi về già lại phải sống xa con. Vì thế, đọc thơ của Vũ Quần Phương, người ta dễ nhận thấy những suy tư ngay từ trong tâm tưởng.

chan dung nha tho vu quan phuong

Càng về già, nhà thơ Vũ Quần Phương càng viết nhiều hơn những vần thơ về gia đình

Nhà thơ Vũ Quần Phương luôn nâng niu đến tận bây giờ là những trang nhật ký còn đẫm thương nhớ ông ghi chép lại tuổi thơ của hai con. Ông ví, đó là thứ “lương khô” giúp ông vơi đi nỗi nhớ con trong những lúc “đói lòng”. Đến nay, gia tài ấy đã tăng lên với hơn mười quyển.

Nỗi nhớ con khiến nhà thơ dù đã ở tuổi 78 vẫn phải rơi nước mắt. Ông khẽ chậm rãi lấy tay lau đi những giọt nhớ. Sự đa cảm của một nhà thơ khiến ông dễ bồi hồi khi nhắc lại những chuyện xưa cũ.

“Đã có những lúc tôi nghĩ mình không còn là trung tâm của các con nữa. Trước đây khi đưa con ra sân bay là tiễn con “đi” sang Mỹ. Nhưng giờ, những lần ấy lại là tiễn con “về” nhà nó. Do vậy, mỗi khi được gặp con lòng tôi lại chộn rộn. Ngay lúc vui mừng nhất tôi đã ngậm ngùi nghĩ về lúc chia tay”.

Có lẽ vì thế mà trong những bài viết cho con, giọng ông có pha chút gì đó nuối tiếc, bùi ngùi. Tấm lòng của người cha được trải hết vào câu chữ.

“Những dòng nhật ký là những ghi chép đời thường mà tôi gửi trao tới các con. Có thể không lâu nữa tôi sẽ mất đi, nhưng những trang nhật ký ấy vẫn sẽ còn lại, là hành trang giúp các con bước tiếp trong cuộc đời”.

Nhà thơ cứ thế bồi hồi nghĩ về “những đứa trẻ”. Ông không nghĩ rằng những đứa con của mình có thể vượt qua nhiều biên giới của kinh độ này, vĩ độ khác. Ước mơ của ông thuở con mới lọt lòng cũng chỉ gói gọn trong đường chỉ mẹ may:

“Cha chưa biết con là trai hay gái
Chỉ biết sau này con lớn lên mọi tấm áo mẹ may con sẽ đều mặc chật
Mọi con đường trên thế gian này con sẽ đều biết vượt
Nhưng lòng con sẽ dừng lại xứ sở trước đường khâu của mẹ
Một đường khâu bằng chỉ thường nhỏ bé
Suốt một đời con cứ mãi bâng khuâng”

Thuý Nga

Nhắc đến những kết quả bước đầu của 2 con trai, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng công lớn thuộc về vợ ông, bà Đào Thị Hường, đặc biệt là cách bà tạo nên một bầu không khí học tập với một tư duy khoa học trong gia đình.
“Người Việt ta từ xưa rất coi trọng nếp sống của từng gia đình, gọi là gia phong và thành tựu của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là lớp trẻ phụ thuộc rất nhiều vào điều đó”
Không khí học tập trong gia đình được bà Hường xây nên từ chính tấm gương nỗ lực, phấn đấu của bản thân, ngay từ khi các con còn rất nhỏ.
“Đáng nhớ nhất là ngay thời điểm Văn mới được 1 tháng tuổi, để quyết tâm học lên cao hơn, cứ 5h sáng, vợ tôi đã rời nhà để lên cơ quan cách nhà gần chục cây số bằng xe đạp và đến 8h tối mới về đến nhà. Thực ra giờ làm chỉ đến 5h chiều nhưng sau đó vợ tôi lại tranh thủ đi học thêm. Độ ấy, mấy tháng liền, ngày nào lúc bà ấy về tới nhà cũng khoảng 8 rưỡi tối thì Văn cũng đã chuẩn bị đi ngủ cùng bà nội”.
Bà Hường kể: “Lúc ấy, nghĩ thương con nhưng mình cũng đành cắn rằng để tiếp tục học, vì tương lai của các con mình càng không thể không học. Chậm cũng được nhưng bằng mọi cách vẫn phải học và học bất cứ lúc nào”.
Bà Hường chia sẻ, thuở đó, được đi học như vậy cũng nhờ sự ủng hộ của mẹ chồng nhiều. “Bà hiểu cuộc sống cần phải có sự phấn đấu nên rất thông cảm và lặng lẽ hỗ trợ. Sẵn sàng trông cháu suốt từ 6h sáng cho đến 8h tối, vậy nhưng chưa từng một lời ca thán”, bà Hường kể.
Có lẽ sống trong một môi trường như vậy, ngay từ bé, cả Văn và Điềm đã cảm nhận được những nỗ lực của các thành viên trong gia đình nên luôn tự học và không hề phải bắt buộc theo khuôn khổ.
Thế là cứ thấy mẹ đọc sách thì con cũng học theo, thích ngồi vào bàn học. Vũ Hà Văn đặc biệt rất mê đọc sách và coi bàn học là nơi lúc nào cũng có thể ngồi vào ngay được. Ngoài giờ đi làm, xong việc nhà thì tối đến bà Hường vẫn đều đặn thường xuyên kiểm tra việc học hành của con, chia sẻ các bài toán đố vui, bài thơ,… Mỗi ngày trước khi đi ngủ, bà cũng không quên trò chuyện với con về chuyện ở trường lớp, bạn bè,…
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là khi Vũ Hà Văn lên 4 tuổi, cũng là năm đầu tiên gia đình cho con cùng gói bánh chưng cho ngày Tết. “Gói bánh chưng nhiều công đoạn nhưng Văn được giao nhiệm vụ xúc bát gạo vào từng lá dong, lần lượt cho bà, bố và mẹ gói bánh. Công việc đơn giản nhưng Văn thích lắm, thấy rằng mình chưa xúc gạo thì không gói được bánh. Ông ngoại sang nhà chơi, khen bánh chưng đẹp, cả nhà bảo do Văn xúc gạo thì cu cậu sướng lắm, phấn khởi ra mặt”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, việc tuy đơn giản nhưng qua đó để con được cảm nhận vai trò của mình trong một gia đình và học cách hỗ trợ các thành viên khác ngay từ khi còn bé.
Thanh Hùng

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dạy con gái 3 điều để thích ứng với thời cuộc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dạy con gái 3 điều để thích ứng với thời cuộc

Trong phần giao lưu với sinh viên diễn ra sáng nay 6/3, thông qua câu chuyện dạy cô con gái của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ 3 điều mà các bạn trẻ cần có để thích ứng với thời cuộc.

5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập

5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập

Nhà trường và gia đình cần tìm ra những phương pháp giáo dục kỹ năng sống từ 0 đến 6 tuổi phù hợp để rèn luyện tính tự lập ngay từ bậc học mầm non cho trẻ.

Để con có thói quen tốt, cần dạy con điều gì?

Để con có thói quen tốt, cần dạy con điều gì?

Những thói quen tốt khi được khắc sâu trong hành vi sẽ đảm bảo rằng khi lớn lên các con có được những kỹ năng sống tốt để trở thành một người có tính kỷ luật, có trách nhiệm, biết yêu thương.

Kỹ năng sống: Dung hòa quan điểm khi dạy con

Kỹ năng sống: Dung hòa quan điểm khi dạy con

Dạy con kỹ năng sống là cần thiết. Tuy nhiên các bậc cha mẹ còn phải dung hòa quan điểm khi nuôi dạy con nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất cho trẻ.