Khoảng gần chục năm trở lại đây, mua vàng vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Bởi, quan niệm trong văn hóa phương Đông, vàng biểu thị cho những giá trị tốt đẹp, phú quý, sung túc và may mắn. Với nhiều người, vàng còn kênh trú ẩn an toàn, là của để dành.
Song, những ngày này giá vàng có xu hướng tăng mạnh và neo ở mức cao. Theo đó, giá vàng trong nước ngày 27/1 tăng vọt, vàng miếng bật tăng lên mốc 68,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cụ thể, chốt phiên ngày 27/1, giá vàng miếng của SJC tăng 600 nghìn đồng/lượng so với kết phiên giao dịch 19/1. Giá vàng miếng của Doji tại Hà Nội tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra; giá vàng miếng của Doji tại TP.HCM tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch 19/1.
Tương tự, giá vàng nhẫn ngày 27/1 cũng tăng cao. Chốt phiên, giá vàng nhẫn 9999 được SJC niêm yết tại TP.HCM ở mức 55,25-56,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650 nghìn đồng/lượng so với kết phiên giao dịch 19/1; giá vàng nhẫn được PNJ mua - bán ở mức 55,3-56,4 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng so với ngày 19/1.
Chia sẻ về giá vàng trong nước, lãnh đạo một công ty vàng bạc nhận định, ngoài đi lên theo đà thế giới còn yếu tố ngắn hạn là ngày vía Thần Tài sắp đến sẽ kích thích nhu cầu mua vàng của người dân, đặc biệt là nhóm trung lưu và dưới trung lưu mua các loại nhẫn trơn 0,5-1 chỉ để cầu may.
Chị Đinh Thị Bảo Nhi ở Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, năm nào chị cũng mua vàng vía Thần Tài để lấy may mắn và tích trữ, dù chị chỉ mua 2-3 chỉ mỗi năm. Song, năm nay chị có một khoản thưởng Tết kha khá, cộng với tiền mừng tuổi của các con ước tính cũng mua được 1,5 lượng vàng.
“Hôm qua tôi thấy giá vàng tăng mạnh nên hơi đắn đo chuyện mua vàng vía Thần Tài”, chị chia sẻ.
Hiện, không ít người băn khoăn dịp vía Thần Tài có nên mua vàng cầu may không? Và nếu có thì mua bao nhiêu là phù hợp?
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Trúc - chuyên gia trong lĩnh vực vàng - cho rằng, tuỳ vào khả năng tài chính của mỗi người để cân đối mua vàng sao cho phù hợp.
Theo ông, khi giá vàng tăng cao dịp vía Thần Tài, nếu muốn mua để cầu may thì chỉ nên mua một lượng vàng vừa phải, từ 1-2 chỉ, thậm chí mua 0,5 chỉ hoặc lượng vàng ít hơn. Còn muốn mua để tích sản, đầu tư dài hạn thì chọn thời điểm giá phù hợp mua vào sẽ có lợi hơn cho người giữ vàng.
Một chuyên gia văn hoá cũng lưu ý, mua vàng cầu may dịp đầu năm là nhu cầu rất chính đáng của con người, tạo động lực để họ phấn đấu trong năm mới. Bởi, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của nhiều người Việt.
Trước đây, chỉ những người kinh doanh buôn bán mới mua vàng nhằm mục đích cầu năm mới nhiều tài lộc. Dần dần, người dân bắt đầu đổ xô đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là một thứ tài sản có giá trị bảo toàn và sinh lời nên nhiều người thường mua về tích trữ lâu dài. Song, không bắt buộc phải mua vào ngày vía Thần Tài mà tùy điều kiện mỗi gia đình, có nhiều mua nhiều, không mua cũng không sao.
Trước đó, bà Bùi Hồng Tâm, đại diện một doanh nghiệp vàng phong thủy ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, vàng là kim loại có giá trị tích trữ, trao đổi. Vào ngày vía Thần Tài, người dân đổ xô đi mua vàng, nhưng mua vàng ngày này không phải để trao đổi về kinh tế mà dùng để cầu may. Khách hàng thường mua một lượng vàng rất nhỏ, chỉ từ 0,5-3 chỉ là nhiều. Rất ít khách hàng mua với số lượng lên tới cả lượng vàng.
Bà khuyên, mua vàng để lấy may thì mọi người nên có một khoản ngân sách phù hợp, từ vài trăm cho tới vài triệu đồng tùy khả năng kinh tế của mỗi người. Không nên bỏ quá nhiều tiền để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài.
Mua vàng lấy may về thường cất két, trong khi nếu đưa tiền vào kinh doanh hay làm những việc khác tương tự thì tiền sẽ sinh ra tiền. Chưa kể, vào dịp vía Thần Tài, giá vàng còn có xu hướng tăng mạnh hơn so với ngày thường, bà lưu ý.