Tuy nhiên, xu hướng giá quặng sắt giảm có vẻ sẽ không kéo dài.
Giá thép không gỉ tại Châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng do chi phí sản xuất tăng cao và lạc quan về triển vọng nhu cầu. Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục chịu áp lực giảm bởi Bắc Kinh không ngừng nỗ lực ngăn chặt bất kỳ diễn biến bất thường nào trên thị trường.
Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3 trên sàn Thượng Hải kết thúc ngày 16/2 tăng 3,4% lên 19.295 nhân dân tệ (3.046,21 USD)/tấn, sau khi có thời điểm trong cùng phiên chạm mức 19.355 nhân dân tệ, cao nhất kể từ ngày 27 tháng 10.
Giá thép không gỉ năm nay đã tăng gần 12%, vượt trội so với các kim loại khác giao dịch trên thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân do giá nickel – nguyên liệu chính trong sản xuất thép không gỉ - tăng mạnh do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.
Giá quặng sắt – nguyên liệu chính trong sản xuất thép – mặc dù đang có xu hướng giảm song vẫn là mức cao khiến các nhà máy thép của Trung Quốc phải chật vật để có chút lợi nhuận.
Giá các sản phẩm thép khác cũng có xu hướng tăng, với thép cây trên sàn Thượng Hải phiên 16/2 tăng 1,9%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,5% so với phiên giao dịch trước.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết nhu cầu bổ sung vào kho dự trữ của các doanh nghiệp Trung Quốc sau kỳ lễ hội mùa Xuân dự kiến sẽ còn tiếp tục hỗ trợ giá thép các loại, nhất là thép không gỉ.
Các kho dự trữ thép hiện vẫn cao hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái, song vào giai đoạn mùa đông dự trữ cần phải tăng cao để sau đó giảm dần khi mùa xây dựng cao điểm (mùa Hè) đến. Năm nay, dự kiến dự trữ thép sẽ giảm sớm hơn mọi năm do đáp ứng nhu cầu cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Dự trữ thép thanh vằn của Trung Quốc tính đến 28/1 ở mức 4,92 triệu tấn, so với 4,86 triệu tấn cùng kỳ năm 2021 và 5,18 triệu tấn cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2021, tồn trữ thép thanh vằn đã tăng từ mức thấp 3,37 triệu tấn vào đầu năm lên mức cao nhất là 11,6 triệu tấn vào giữa tháng 3; trong khi vào năm 2020, dự trữ đã tăng từ 2,81 triệu lên 13,0 triệu cũng vào giữa tháng 3.
Mức độ biến động giá sắt thép tại Trung Quốc. |
Trái ngược với thép, giá quặng sắt tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp do Trung Quốc cảnh báo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch về giá cả trên thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc ngày 16/2 giảm 1,1% xuống 720 nhân dân tệ/tấn. So với mức cao nhất 5,5 tháng đạt được vào tuần trước, giá hiện đã mất 16%.
Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc đã giảm gần 11% trong 3 phiên vừa qua, xuống 136 USD/tấn.
Không chỉ cảnh báo, các nhà quản lý Trung Quốc sẽ gặp gỡ với các nhà giao dịch quặng sắt trong nước vào ngày 17 tháng 2 trong nỗ lực đảm bảo sự ổn định của thị trường, sau khi mặt hàng quặng sắt tăng giá mạnh gần đây.
Trung Quốc một lần nữa đang cố gắng hạ giá quặng sắt. Cơ quan hoạch định chính sách của nước này đã cảnh báo những người tham gia trên thị trường rằng "không nên bịa đặt hoặc công bố bất kỳ thông tin sai lệch nào về giá cả."
Không khó để hiểu tại sao Bắc Kinh muốn hạ nhiệt giá thép nguyên liệu, bởi giá quặng sắt 62% nhập khẩu (hàng giao ngay tại cảng biển miền Bắc Trung Quốc) gần đây đã tăng trở lại mức gần 150 USD/tấn, tương đương tăng 68% so với mức thấp nhất của năm 2021, là 87 USD, đạt vào giữa tháng 11.
Mặc dù sau 3 phiên giảm, giá quặng sắt hiện thấp hơn khá nhiều so với mức cao kỷ lục 235,55 USD chạm tới vào tháng 5 năm ngoái, nhưng giá hiện nay vẫn ở mức mà các nhà máy thép Trung Quốc sẽ phải vật lộn để có được lợi nhuận, và dự kiến sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, gây áp lực lên cả lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù động thái của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá quặng sắt, song các nhà phân tích cho biết mặt hàng này bị chi phối chủ yếu dựa trên các yếu tố cơ bản về cung và cầu thực tế.
Tồn trữ quặng sắt của Trung Quốc, theo đánh giá của công ty tư vấn SteelHome, là 154,05 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 28/1, tiếp tục xu hướng giảm so với mức đỉnh của năm 2021 là 157,5 triệu, đạt được vào giữa tháng 12.
Trong khi đó, sản lượng thép của Trung Quốc có thể sẽ tăng trong những tuần tới, khi các chính sách hạn chế chống ô nhiễm áp dụng trong mùa Đông sẽ kết thúc, sẽ kéo nhu cầu quặng sắt tăng theo.
Trên thực tế, các cơ sở sản xuất thép ở nước này đã và đang tích cực mua nguyên liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất sắp tới. Nhập khẩu quặng sắt vào nước này tháng 1/2022 đã tăng mạnh, theo dữ liệu của Refinitiv là 94,28 triệu tấn, trong khi theo dữ liệu của nhà tư vấn hàng hóa Kpler thậm chí còn cao hơn, là 108,41 triệu tấn. Những con số này đều cao hơn nhiều so với mức 86,07 triệu tấn (dữ liệu chính thức) nhập khẩu trong tháng 12/2021. Do đó, xu hướng giá quặng sắt giảm có thể sẽ không kéo dài.
(Theo Refinitiv/ Nhịp sống kinh tế)
Thép xây dựng đồng loạt tăng giá
Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) đã gửi thông báo đến các đại lý về việc điều chỉnh giá bán với thép cuộn xây dựng từ ngày 12-2.