Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, lọt top 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành này phải nhập tới 60 - 70% nguyên liệu đầu vào. Riêng 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu tăng tới 47% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ta lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 13 triệu tấn ngô, cám gạo, sắn làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26 - 27 triệu tấn các loại, chủ yếu là: ngô; đậu tương; lúa mì; dầu động, thực vật… Theo các chuyên gia, đây đều là những loại không phải thế mạnh của Việt Nam.
"Các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp không mặn mà với nguyên liệu thu gom quá nhỏ. Rõ ràng giá nguyên liệu luôn cao hơn giá ở các nước nhập về từ 10 - 15%, thậm chí tới 20%. Người ta nhập về hàng ngàn tấn trên một tàu, chất lượng đồng nhất, ổn định, tạo thuận lợi cho bảo quản và chế biến công nghiệp", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm giá thức ăn chăn nuôi luôn ở ngưỡng cao, gây khó cho việc tái đàn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 9 lần ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông hộ, nhất là khi giá gia cầm, giá lợn hơi giảm sâu trong nhiều năm. Trong bối cảnh cần đẩy mạnh phục hồi sản xuất, chăn nuôi sau dịch COVID-19, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm giá thức ăn chăn nuôi luôn ở ngưỡng cao, gây khó cho việc tái đàn.
Chính vì vậy, Nghị quyết 128 mới ban hành của Chính phủ đã nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Ngành chăn nuôi cũng đang xoay xở tận dụng nguồn nguyên liệu, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi để tìm cách phục hồi sản xuất.
Giảm chi phí bằng mô hình chăn nuôi sinh học
Thay vì chỉ cho ăn thức ăn công nghiệp như trước đây, hiện chị Quy (Hợp tác xã Chăn nuôi và Thương mại Đoài Phương, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) lựa chọn cho gần 80.000 gà thịt của mình ăn nguồn thức ăn tự ngâm nấu của hợp tác xã. Chị cho biết, lựa chọn này không chỉ giảm áp lực chi phí chăn nuôi, mà chất lượng đàn gà mía của chị cũng được nâng cao hơn.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ ngành trồng trọt chăn nuôi trong nước, như: ngô, đậu, bột cả…, hợp tác xã chăn nuôi này có một xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi tự phối trộn. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi giảm tới 20%, lại chủ động nguồn thức ăn.
"Chủ động được nguồn thức ăn, chúng tôi có thể quản lý quy trình dễ dàng hơn và hạch toán được chi phí cho từng giai đoạn cụ thể hơn", anh Nguyễn Huy Ba, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thương mại Đoài Phương, Sơn Tây, Hà Nội, cho hay.
Giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành trong sản xuất chăn nuôi, việc tăng cường sản xuất theo hướng an toàn sinh học giúp giảm chi phí sản xuất đã được một số địa phương đẩy mạnh thời gian qua.
Cần đồng bộ các chính sách phát triển nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi
Trước mắt có thể áp dụng hướng mô hình an toàn sinh học để giảm lượng nguyên liệu đầu vào làm thức ăn chăn nuôi, nhưng về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải pháp đồng bộ một loạt giải pháp từ giảm chi phí nhập khẩu đến đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng có thể làm nguyên liệu đầu vào cho ngành thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên 20 triệu tấn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là loại đậu tương, ngô, lúa mì… Để giảm lượng nhập khẩu ngay thì khó, nhưng theo Hiệp hội doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, việc có thể giảm ngay là chi phí nhập khẩu.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 9 lần ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông hộ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Ví dụ như chi phí logistics, nếu chúng ta làm tốt, có thể giảm tới được 10 - 15% so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Cùng chi phí nhập khẩu mua ở nước ngoài nhưng về đến cảng biển, chi phí bốc dỡ, chi phí vận chuyển rất lớn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho hay.
Việt Nam cần thêm 8 triệu tấn ngô sinh khối để làm nguyên liệu thức ăn cho đàn trâu, bò. Đây chính là dư địa để các địa phương tận dụng có thể phát triển cây ngô sinh khối, tránh việc nhập khẩu.
Trung bình mỗi năm, cả nước có gần 157 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, trong thời gian tới cần có thêm chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ biến phế phụ phẩm thành nguồn thức ăn trong chăn nuôi.
"Tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học công nghệ để có thể sử dụng tốt phụ phẩm từ ngành nông nghiệp", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần thêm các chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, các chuỗi giá trị trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cũng đang tăng trưởng bình quân 13 - 15%/năm, vì vậy áp lực để có thể phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành này là tương đối lớn. Mục tiêu đến năm 2030, ngành chăn nuôi có thể chủ động được 30% nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và 50% nguyên liệu thức ăn bổ sung.
(Theo VTV)
Giá thịt lợn lao dốc, chủ trại nuôi kêu trời vì lỗ tiền tỷ
"Sáng nay tôi vừa phải bán lứa lợn thịt với giá 42.000 đồng/kg, tính ra, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ 1,5-1,8 triệu đồng”, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn La than thở sau khi xuất bán đàn lợn 800 con.