Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa thông qua tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025 với những mục tiêu và khát vọng lớn. Trong đó, công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng đã được đặt ra vào năm 2045.
Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần vượt qua được những thách thức rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng vấn đề phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng và cấp bách để hiện thực hóa được các mục tiêu đã đề ra.
Nhân buổi chia sẻ với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị một loạt giải pháp.
Thứ nhất là vấn đề phát triển và thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp. Trong đó, cần nâng cao phát triển công nghiệp bán dẫn, phát huy nhận thức của cả hệ thống chính trị cho đến cộng đồng doanh nghiệp và các nơi tiêu thụ chất bán dẫn. Tất cả cùng chung tay tham gia phát triển công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới. Như vậy chúng ta mới hoàn thành được các mục tiêu đặt ra.
Thứ hai, đó là xây dựng Luật về phát triển công nghiệp. Theo Bộ trưởng Dũng, tất cả các ngành các lĩnh vực hiện nay không có ngành hay lĩnh vực nào mà không có luật cả, trừ ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp là một ngành rất quan trọng nhưng lại chưa có luật. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã có bộ đề cương và đang trong giai đoạn nghiên cứu lấy ý kiến, trong đó có cả công nghiệp hỗ trợ.
"Đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta đánh giá lại, nghiên cứu và tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Dũng nói.
Đồng thời, Chính phủ cần sửa lại Nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định này sau 7 năm ra đời đã xuất hiện nhiều hạn chế và bất cập.
Riêng đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ cũng đang đề xuất nghiên cứu sửa đổi Nghị định 82/2018 về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất các chính sách mới để phát triển các khu công nghiệp mới. Ví dụ hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần 3 thứ: đất, vốn và công nghệ.
Qua nghiên cứu, ông Dũng cho biết, ở các khu công nghiệp, Ban quản lý chỉ muốn cho các doanh nghiệp lớn thuê phần lớn bằng giá sỉ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ muốn thuê 500, 1000, 2000 m2 thì không bao giờ thuê được.
"Người ta thậm chí còn không còn tiếp", ông Dũng kể.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã số thuê từ 100 hecta. Với doanh nghiệp Việt, thuê 1000 m2 thì không ai tiếp. Nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ chỉ cần như vậy, nhưng ban quản lý các khu công nghiệp lại từ chối.
Cái khó thứ hai là về giá thuê. Nếu cứ dùng giá như các dự án lớn với công nghệ cao, thuế giá trị gia tăng cao thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ cũng không dám thuê.
"Do đó, chúng tôi dự kiến quy định rất rõ, yêu cầu các khu công nghiệp khi thành lập phải dành 3% đất và không thấp hơn 5hecta để ưu tiên doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ. Giá đất cho thuê chỉ được tính 70% giá cho doanh nghiệp khác thuê. Đây là yêu cầu doanh nghiệp hạ tầng phải thực hiện khi xây dựng khu công nghiệp", Bộ trưởng Dũng cho hay.
Theo ông, trước đây, chúng ta có giao về cho địa phương là trong quy hoạch khu đất làm nhà ở công nhân kết hợp khu dịch vụ. Nhưng về đến địa phương hầu như là không quy hoạch khu nhà ở và các dịch vụ cho công nhân.
Ông nhấn mạnh: "Lần này chúng tôi yêu cầu cả khu dịch vụ nhà ở cho công nhân thuê, các văn hóa, dịch vụ và cả trung tâm thương mại vào các khu công nghiệp để các nhà đầu tư có thể tuyển dụng được nhiều công nhân. Và nếu chúng ta có một môi trường tốt như vậy, hệ sinh thái tốt như vậy, thì các doanh nghiệp sẽ lấp đầy ngành trong khu công nghiệp. Các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước sẽ hỗ trợ khu công nghiệp sáng tạo đổi mới. Đó là các chính sách chúng tôi đề ra".
Từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ trưởng Dũng khuyến nghị cần đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn loay hoay vấn đề công nghệ. Nếu chúng ta không có công nghệ, không có tiêu chuẩn thì chúng ta không có chất lượng.
Ông Dũng gợi ý, các nhà đầu tư có thể mua cổ phần cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tại Việt Nam, đang nằm trong các chuỗi cung ứng của thế giới. Đó là cách tiếp cận công nghệ nhanh nhất, về cả thị trường và quản lý. Sau khi lớn dần lên, các doanh nghiệp có thể chuyển hóa thành doanh nghiệp của mình. Đó là cách tiếp cận, là hướng đi tốt.
Hiện nay có những chuyên gia kỹ sư người Việt đang nắm những vị trí chủ chốt tại các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang nằm trong chuỗi cung ứng được đảm bảo tại Việt Nam.
"Chúng ta có thể khuyến khích họ lập doanh nghiệp. Đấy là cách nhanh nhất để tiếp cận công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng và có sự hỗ trợ của nhà nước", ông cho hay.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng chuyển giao công nghệ, đầu tư, mua sắm các thiết bị, máy móc, công nghệ mới tiên tiến.
Thứ tư là đào tạo lao động chất lượng cao, có tay nghề, ngoại ngữ.
Cuối cùng là đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chương trình tổng thể về hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ. Đó cũng là cách để chúng ta tiến nhanh hơn", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất thí điểm gói tài chính ưu đãi cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ và cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ để hình thành gói ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu.
Hoàng Hiệp