Tại hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng có hại cho sức khỏe” do Bộ Y tế tổ chức, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang trở thành gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm.
Tại Việt Nam, 73,8% ca tử vong do bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mạn tính, tâm thần. Trong khi đó, yếu tố chính đối với mô hình bệnh tật này là dinh dưỡng, thuốc lá, rượu bia. Ước tính có 40.000 ca tử vong/năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam.
Theo bà Hương, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Mặc dù tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng số người sử dụng thuốc lá gia tăng từ 15,3 triệu người trưởng thành (2010) lên 15,6 triệu người (2015). Sản lượng tăng từ 4.355 triệu bao (2008) lên 7.533 triệu bao (2023).
Thuốc lá là tác nhân gây ra 25 nhóm bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và sinh sản… Ước tính, 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó một nửa số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65 tuổi), trung bình làm mất đi từ 20 đến 25 năm thời gian làm việc.
Trong khi đó, vị đại diện Bộ Y tế cũng cho hay thuế và giá rượu, bia và thuốc lá ở Việt Nam còn ở mức thấp. Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước châu Á Thái Bình Dương và thứ 157/161 quốc gia.
Trên thị trường có 40 nhãn hàng thuốc lá sản xuất trong nước có giá dưới 10.000 đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ chưa đến 1 USD/bao, thuộc nhóm quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương và trên thế giới.
Theo Nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2023, chi phí y tế do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022, trong khi tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17.600 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 của chi phí.
Vì vậy, bà Hương khẳng định thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước.
Theo WHO, tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải ở mức cao, đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng hiệu quả.
Theo ước tính nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5-8% và đồ uống có đường từ 8-13%.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá:
Đề xuất của Bộ Tài chính | Đề xuất của Bộ Y tế và Khuyến cáo của WHO |
Phương án 1: Từ 2026: 2.000 đồng/bao Từ 2027: 4.000 đồng/bao Từ 2028: 6.000 đồng/bao Từ 2029: 8.000 đồng/bao Từ 2030: 10.000 đồng/bao Phương án 2: Từ 2026: 5.000 đồng/bao Từ 2027: 6.000 đồng/bao Từ 2028: 7.000 đồng/bao Từ 2029: 8.000 đồng/bao Từ 2030: 10.000 đồng/bao |
Từ 2026: 5.000 đồng/bao Từ 2027: 7.500 đồng/bao Từ 2028: 10.000 đồng/bao Từ 2029: 12.500 đồng/bao Từ 2030: 15.000 đồng/bao |