Kết thúc tuần giảm mạnh
Mở cửa thị trường đầu tuần (26/9), giá vàng 9999 của SJC niêm yết ở mức 65,65 triệu đồng/lượng và 66,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng.
Giá vàng trong nước giảm mạnh các phiên sau đó. Phiên ngày 27/9, giá vàng miếng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm tới 900 nghìn đồng/lượng, mất mốc 66 triệu/lượng. Giá vàng 9999 được SJC giao dịch tại Hà Nội ở mức 65,1-66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Cùng thời điểm, Công ty vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng 9999 tại Hà Nội ở mức 65,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng tiếp tục giảm mạnh, về mốc 64 triệu đồng/lượng trong phiên 28/9. Đây là phiên giao dịch mà giá vàng miếng SJC giảm mạnh nhất trong một tuần gần nhất. Giá vàng cũng đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2022.
Giá vàng SJC của Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường Hà Nội được niêm yết ở mức 64,2-65,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng tại thị trường Hà Nội ở mức 64,2-65,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Người mua vàng lỗ tới hơn 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 ngày.
Sau khi giảm mạnh, giá vàng trong nước phục hồi trở lại. Giá vàng 9999 của SJC tăng chiếm lại mốc 66 triệu đồng/lượng trong chốt phiên tháng 9. Kết thúc phiên 30/9, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 65,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,42 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 65,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 65,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 65,4 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,4 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu tuần, người mua vàng đã lỗ khoảng 1 triệu đồng/lượng. Còn nếu mua vàng từ đầu tháng 9, người tiêu dùng đã lỗ gần 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tuần qua vẫn tiếp tục ảm đạm. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ ở mức 1.661,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2022 trên sàn Comex New York ở mức 1.662,6 USD/ounce.
Tính chung cả tuần qua, giá vàng đã tăng 1%. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn mất 3,1% trong tháng 9/2022, đánh dấu chuỗi giảm 6 tháng liên tiếp.
Dự báo giá vàng
Ông Jason Teed, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư của quỹ giao dịch vàng Gold Bullion Strategy Fund, đánh giá, giá vàng giảm mạnh trong tháng 9 và quý III/2022 do tác động tiêu cực từ việc USD tăng giá.
Chỉ số Dollar index (DXY) -so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt chốt phiên tháng 9 ở mức 112,2886. Tính chung cả tuần, DXY giảm 0,73%, tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã tăng 7,3% trong quý 3/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ 2015.
Adam Button, trưởng nhóm phân tích tiền tệ của Forexlive, cho hay, dữ liệu lạm phát tiếp tục tăng cao, gây áp lực lên lãi suất và đồng USD. Các nhà đầu tư tìm tới USD để trú ẩn an toàn do nhu cầu USD trên các thị trường phái sinh tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020.
Vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và chính trị, nhưng việc tăng lãi suất có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn không sinh lãi.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng ngắn hạn của vàng sẽ phụ thuộc phần lớn vào dữ liệu việc làm và lạm phát được công bố trong hai tuần đầu tiên của tháng 10.
Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities cho rằng, nếu CPI hoặc việc làm mạnh hơn dự kiến, Fed sẽ có nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến vàng.
Ông Ajay Kedia, giám đốc tại Kedia Commodities ở Mumbai cho hay, nhu cầu vàng vật chất từ Ấn Độ, Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá vàng vào cuối năm.