Tài sản đồng loạt mất giá

Thị trường chứng khoán thế giới vừa trải qua một phiên giao dịch ngày 5/8 giảm điểm kinh hoàng, có thể nói là tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.

Thảm hại nhất là thị trường chứng khoán Nhật Bản khi chỉ số Nikkei 225 sụt giảm chóng mặt, mất 4.451,28 điểm (tương đương giảm 12,4%), vượt xa cả "Thứ Hai Đen tối" năm 1987 - từng được coi là vết đen trong lịch sử tài chính toàn cầu.

Cổ phiếu các ngân hàng lớn như Mizuho, Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui đều giảm khoảng 15% trong phiên giao dịch ngày 5/8. Cổ phiếu ngân hàng Chiba thậm chí lao dốc 19%.

Tính từ đầu tháng 7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã giảm 24% và chính thức bước vào chu kỳ giảm giá.

Chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) rơi tự do hơn 8%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng bốc hơi ở mức tương tự, trong phiên phải ngừng giao dịch hàng chục phút.

Rất nhiều thị trường chứng khoán châu Á khác lao dốc, trong đó có VN-Index của Việt Nam mất gần 50 điểm, với khoảng 8 tỷ USD vốn hóa bốc hơi.

Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 5/8 (tối 5/8 giờ Việt Nam) tiếp tục giảm mạnh sau khi liên tục lao dốc. Tới 21h00 tối 5/8, chỉ số công nghiệp Nasdaq của Mỹ giảm thêm khoảng 600 điểm (tương đương giảm 3,7%), xuống còn 16.160 điểm. Chỉ số này đạt 18.650 điểm hôm 10/7. Như vậy, tới nay Nasdaq Composite đã giảm hơn 13%.

Trên thị trường crypto, các đồng tiền số cũng đồng loạt lao dốc. Bitcoin trong phiên 5/8 có thời điểm thủng mốc 50.000 USD, về mức thấp nhất trong 6 tháng là 49.300 USD/BTC (đầu giờ chiều 5/8 giờ Việt Nam), trong khi đồng tiền lớn thứ hai Ether có phiên giảm mạnh nhất gần ba năm qua.

Chỉ trong vòng một ngày, đồng Bitcoin mất giá khoảng 14%.

Một điều bất ngờ là giá vàng lao dốc, mất khoảng 90 USD (3%) xuống 2.364 USD/ounce, từ mức 2.454 USD/ounce trước đó.

giavang2024Aug5.gif
Vàng giảm giá mạnh dù USD lao dốc. Ảnh: KC

Giá vàng lao dốc bất chấp đồng USD cũng giảm giá hiếm có, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - mất 0,8% khi mở cửa phiên 5/8 (thị trường New York) xuống 102,5 điểm. Hồi cuối tháng 7, chỉ số DXY còn ở mức 105 điểm.

Giá dầu cũng thê thảm. Mở cửa phiên 5/8 trên thị trường New York, giá dầu WTI giảm 0,9 USD (tương đương giảm 1,2%), xuống 72,6 USD/thùng.

Trái quy luật thường thấy

Có một thực tế là nhiều loại tài sản được tính bằng đồng USD, như vàng và dầu, lại giảm giá dù đồng USD giảm rất mạnh.

Diễn biến này trái với quy luật thường thấy: Đồng USD tăng thì vàng giảm và ngược lại, USD giảm thì vàng tăng.

Nó cũng trái ngược với những gì đang diễn ra trên thế giới. Căng thẳng địa chính trị leo thang ở khắp nơi và rủi ro một cuộc chiến khốc liệt có thể xảy ra tại Trung Đông, khi Iran liên tục tuyên bố sẽ đáp trả vụ thủ lĩnh Hamas bị sát hại ngay tại thủ đô Tehran hôm 31/7.

Thông thường, căng thẳng địa chính trị leo thang sẽ đẩy giá vàng tăng vọt. Tuy nhiên, phiên 5/8 cho thấy điều ngược lại. Vàng rơi tự do khi USD lao dốc và xung đột leo thang tới mức báo động đỏ.

Đây được xem là một hiện tượng hiếm gặp trên thị trường tài chính thế giới.

Chưa có nhiều lý giải cho diễn biến này. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng kiến những đợt bán tháo trên các thị trường chứng khoán, cùng với đó là sự sụt giảm của giá vàng. Khi thị trường cổ phiếu lao dốc cũng là lúc nhiều tổ chức, nhà đầu tư nắm giữ vàng bán ra mặt hàng này để gồng lỗ chứng khoán.

Hiện tượng giá vàng, USD, Bitcoin, chứng khoán,... đồng loạt giảm cũng được lý giải có thể do bong bóng đã hình thành. Các loại tài sản đã bị thổi phồng trong vài năm qua, kể cả đồng USD, vàng và cổ phiếu.

Thực tế cho thấy, 7 tháng đầu năm, chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục cao mới. Đồng USD cũng leo thang và treo ở mức cao dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Giá vàng tăng vọt từ cuối năm 2023 và rất nhiều lần lập kỷ lục cao mọi thời đại.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư huyền thoại tỏ ra cẩn trọng với các loại tài sản, đặc biệt là thị trường cổ phiếu. Công ty của Warren Buffett vài tuần qua liên tục xả nhiều loại cổ phiếu Mỹ, trong đó có Apple, đưa tiền mặt lên mức kỷ lục 277 tỷ USD; đồng thời bán nhiều tỷ USD cổ phiếu ngân hàng Bank of America.

Câu hỏi được đặt ra, tất cả đều giảm thì tiền đi về đâu?

Trên thực tế, lượng tiền mặt trên thị trường không biến động nhiều, tiền trong túi của các tổ chức, đại gia vẫn thế... Tuy nhiên, sự thận trọng trước những rủi ro có thể khiến tốc độ quay vòng tiền - tài sản giảm đi, do vậy giá thị trường của tài sản có thể giảm. Giá cổ phiếu, giá vàng, giá Bitcoin và ngay cả giá USD cũng co lại.

Bên cạnh đó, tiền có thể cũng chảy vào một số tài sản khác như trái phiếu chính phủ Mỹ và yen khi đồng tiền của Nhật bất ngờ bứt phá sau cú giảm dài trước đó.

Berkshire của tỷ phú Warren Buffett vừa thu lợi nhuận lớn từ lãi suất cao của trái phiếu chính phủ Mỹ.

Hôm 5/8, đồng yen Nhật tiếp tục tăng thêm hơn 2%, lên mức 142,2 yen/USD. Trong tháng 7, đồng yen đã tăng 8%, từ mức 162 yen đổi 1 USD. Yen vọt lên so với đồng bạc xanh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng lãi tham chiếu lần thứ hai trong năm, lên quanh 0,25%/năm. Trước đó, BOJ duy trì lãi suất âm cả thập kỷ.