Giá vàng được niêm yết theo “trend”?
Sau khi VietNamNet phản ánh tình trạng tồn tại song song hai loại giá vàng miếng SJC giữa khối ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV - còn gọi là nhóm big4) và Công ty SJC với phần còn lại (bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc), trong hai ngày 14 và 15/6 các NHTMCP và doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh niêm yết giá bán vàng miếng SJC về mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá niêm yết này ngang bằng với giá vàng miếng SJC được big4 ngân hàng bán trực tiếp cho người dân.
Trước đó, như VietNamNet đã phản ánh, giá niêm yết vàng miếng tại các đơn vị trên cao hơn rất nhiều so với mức giá bán 76,98 triệu đồng tại ngân hàng big4 và Công ty SJC.
Điển hình như HDBank niêm yết giá mua vào thậm chí còn cao hơn cả giá bán ra của các ngân hàng big4 (78,5 triệu đồng/lượng so với 76,98 triệu đồng/lượng), trong khi giá vàng miếng SJC được HDBank bán ra lên đến 82 triệu đồng/lượng (cao hơn 5,02 triệu đồng so với giá bán ra tại ngân hàng big4).
Một số NHTMCP như Eximbank, ACB, Sacombank,… cũng niêm yết giá bán từ 78,98-79,98 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm cuối ngày 15/6 cho đến sáng 16/6, ngoại trừ Sacombank niêm yết giá bán ở mức 77,280 triệu đồng/lượng (giảm 2,7 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn so với giá bán tại ngân hàng big4), các đơn vị khác như HDBank, ACB, Eximbank, TPBank,… hay các doanh nghiệp như PNJ, Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu,.. đều đã niêm yết giá bán về mức 76,98 triệu đồng/lượng (bằng với giá bán tại các ngân hàng big4).
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, chuyên gia về thị trường vàng Trần Duy Phương cho rằng, thực tế mức giá đó chỉ là giá niêm yết, còn thực tế chưa chắc người dân đã mua được giá này.
“Họ (NHTMCP và DN kinh doanh vàng ngoài SJC – PV) chỉnh lại vậy thôi, để giá theo đúng xu hướng chứ thực sự họ không có nguồn vàng để bán bình ổn như ngân hàng big4. Đó là lý do các đơn vị này luôn trả lời khách hàng là họ tạm thời hết vàng miếng SJC”, chuyên gia Trần Duy Phương nói.
Về một số ý kiến cho rằng các đơn vị trên buộc phải bán vàng với giá cao do trước đó họ đấu thầu (từ NHNN) với giá cao, chuyên gia này cho rằng điều này là không chính xác bởi các ngân hàng sau khi đấu thầu vàng thành công họ ngay lập tức xử lý bán ra trong vòng 1-2 ngày là hết sạch.
“Nguyên tắc kinh doanh của các tổ chức này sau khi đấu thầu vàng miếng là bán hết luôn trong ngày hôm sau, nên không thể có hàng tồn dư. Họ còn không có vàng để bán thì làm gì có chuyện bán không hết. Còn việc họ không bán với giá ngang bằng như big4 đang bán là do họ không thuộc đối tượng NHNN cung ứng vàng để bán bình ổn giá”, ông Phương phân tích.
Vàng hai giá, giống như tỷ giá?
Theo ông Trần Duy Phương, không chỉ tại các NHTMCP và các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói trên, tình trạng niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra cao hơn hẳn so với giá bán của nhóm big4 cũng diễn ra tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ.
Mức giá mua vào – bán ra phổ biến tại các cửa hàng nhỏ lẻ hiện nay lần lượt là 80,5 – 82 triệu đồng/lượng.
Một khi cầu lớn hơn cung, đương nhiên sẽ xuất hiện tình trạng vàng hai giá giữa ngân hàng và các đơn vị này.
Điều này giống như thực trạng tồn tại hai loại tỷ giá VND/USD hiện nay, ngoài tỷ giá do các NHTM công bố, còn có tỷ giá ngoài thị trường tự do.
“Rõ ràng NHNN chưa làm thoả mãn nhu cầu của người muốn mua vàng. Nhưng nếu tình trạng NHNN liên tục cung ứng vàng ra thị trường như hiện nay, chậm nhất đầu tháng 7/2024 thị trường vàng sẽ ổn lại, mức chênh lệch giá sẽ được thu hẹp khi nhu cầu của người dân dần được thoả mãn”, ông Trần Duy Phương kỳ vọng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng chênh lệch giá vàng miếng SJC giữa ngân hàng big4 và Công ty SJC với phần còn lại chỉ có thể thu hẹp mà khó có thể xoá nhoà, bởi sẽ luôn tồn tại chênh lệch về giá như đã nói ở trên. Theo đó, những khách hàng không muốn chờ đợi, họ sẽ tìm đến với kênh bán hàng ngoài big4 và Công ty SJC.
Danh sách các điểm bán vàng miếng SJC theo giá bình ổn tại đây!