Vàng miếng lên xuống như tàu lượn
Thêm một phiên nữa, giá vàng miếng SJC lên xuống như tàu lượn, khiến cơn sốt vàng nhiều năm mới có một lần thêm bất thường. Sau cú giảm tới 4 triệu đồng vào đầu giờ sáng thứ Hai ngày 13/5 so với cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lại bật tăng lên ngưỡng 90,5 triệu đồng/lượng vào buổi chiều, thấp hơn khoảng 2 triệu so với đỉnh cao lịch sử ghi nhận hôm 10/5.
Trong buổi sáng, có thời điểm giá vàng SJC giảm 4-4,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC phổ biến ở mức 88 triệu đồng/lượng, một vài nơi xuống còn hơn 87 triệu đồng/lượng. Phiên chiều, giá vàng miếng SJC tăng vọt trở lại có lúc lên 90,5 triệu đồng/lượng, trước khi chốt phiên ở mức 90 triệu đồng/lượng (bán ra).
Thị trường vàng trong nước tiếp tục "điên đảo" với những bước tăng, giảm rất mạnh và hoạt động mua bán trở nên lộn xộn.
Giao dịch mua bán tiếp tục được kéo ra vỉa hè ngoài phố. Vàng được trao đổi trực tiếp như mua bán mớ rau ở quán trà đá, cà phê - một điều hiếm có với loại tài sản giá trị cao nhưng khó xác định được chất lượng như vàng.
Trên nghị trường, đại biểu Quốc hội sốt ruột với sự nhảy múa của giá vàng, lo ngại tình trạng giá vàng tăng đột biến sẽ làm tăng chi phí hàng hoá…
Hoạt động đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như cũng chưa có tác động tích cực lên thị trường vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước với giá quốc tế quy đổi theo tỷ giá ngân hàng vẫn ở mức rất cao, gần 18 triệu đồng/lượng (tính tới 15h40' ngày 13/5).
Nhiều giải pháp đã được đưa ra như tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng…
Xu hướng vàng thế giới thời gian tới ra sao?
Trong nước, thị trường vàng chưa có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn thế giới ở mức gần kỷ lục, tầm 18 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ chênh lệch giá vàng ở mức rất cao, hoạt động mua bán vàng khá lộn xộn một phần là do cầu vẫn rất cao. Trong cả tuần qua, nhiều cửa hàng giới hạn số lượng vàng bán cho mỗi khách cũng như viết giấy hẹn lấy vàng sau.
Tình trạng này được cho là chưa thể thay đổi sớm bởi hoạt động cung vàng ra thị trường qua đấu thầu của NHNN không mấy đắt hàng. Thị trường có thể sẽ không sớm biến chuyển được như kỳ vọng. Nguồn lực có hạn và tỷ giá USD/VND tăng nhiều từ đầu năm cũng có thể là yếu tố kìm chân dự tính nhập khẩu vàng.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là xu hướng giá vàng thế giới trong thời gian tới sẽ như thế nào? Những biến động của giá vàng thế giới được xem là yếu tố chính sẽ tác động tới giá vàng miếng SJC trong nước khi mà mức chênh giữa giá trong nước và thế giới chưa thể kéo xuống thấp.
Trên thị trường vàng châu Á hôm 13/5, giá vàng giao ngay chứng kiến một cú giảm khá mạnh, mất khoảng hơn 20 USD so với cuối tuần trước, xuống dưới ngưỡng 2.340 USD/ounce (tương đương 72,5 triệu đồng/lượng).
Trước đó, giá vàng thế giới đã tăng mạnh từ cuối năm 2023, từ mức khoảng 1.820 USD/ounce hồi tháng 10/2023 lên đỉnh cao lịch sử 2.430 USD/ounce hôm 12/4 vừa qua. Mức tăng là 33,5%.
Cho đến nay, hầu hết các tổ chức vẫn giữ nguyên dự báo giá vàng quanh mức 2.400-2.500 USD/ounce trong năm 2024 trong điều kiện không xảy ra những xung đột bất thường trên thế giới.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới được đánh giá sẽ chững lại trong mùa hè này, khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây liên tục trì hoãn việc giảm lãi suất, qua đó khiến đồng USD treo cao và tác động tiêu cực tới giá vàng.
Hiện Fed rơi vào tình cảnh rất khó. Nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu xấu đi khi thị trường lao động yếu đi, niềm tin tiêu dùng thấp. Fed cần phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, giá cả hàng hóa vẫn tăng cao (lạm phát vẫn trên 3%, so với mục tiêu 2%) và có thể còn gia tăng khi xung đột gia tăng ở nhiều khu vực và nền kinh tế thế giới bị phân mảnh theo các chuỗi cung ứng khác nhau.
Có thể thấy, nếu Fed kiên trì theo đuổi mục tiêu lạm phát 2% thì nhiều khả năng cơ quan này sẽ hạ lãi suất rất ít trong năm 2024. Còn theo tín hiệu trước đó, năm nay, Fed sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất (mỗi lần khoảng 25 điểm phần trăm).
Trong một báo cáo vừa đưa ra hôm 10/5, Chứng khoán VnDirect cho rằng, Fed có thể chỉ cắt giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay do lạm phát của Mỹ gần đây vượt dự báo của thị trường.
Tất cả mới chỉ là dự báo. Hiện chỉ có một tuyên bố chính thức từ Chủ tịch Fed Jerome Powell là Fed sẽ không tăng lãi suất như những lo ngại của thị trường trước đó. Khả năng cao là Fed sẽ cắt giảm một cách từ từ và lần đầu tiên sẽ vào cuối năm nay.
Tính tới cuối giờ chiều 13/5 (giờ Việt Nam), theo tín hiệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, có 60,8% tin vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 18/9, cao hơn mức 56,3% ghi nhận hôm 28/4. Có 38,8% tin rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5%/năm như hiện tại.
Cũng tính tới 13/5, chỉ còn 3,5% tin vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 12/6, thay vì mức 11% ghi nhận hôm 28/4 và 70% ghi nhận hôm 28/3. Hiện có 96,5% tin rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5%/năm trong cuộc họp tháng 6.
Nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ giảm lãi suất 1-2 lần từ tháng 9 tới hết năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ giảm giá và đây là động lực tích cực đối với vàng. Khả năng vàng vẫn có thể lên ngưỡng 2.400-2.500 USD/ounce.
Dù vậy, trước mắt, thị trường vàng thế giới chịu áp lực bán ra từ sức ép của một đồng USD vẫn rất cao.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - tới 13/5 đứng ở mức 105,3 điểm, so với mức trên 104 điểm cách đây khoảng 1 tháng.
Một đồng USD cao có thể kéo dài sang quý III. Đây là khoảng thời gian vàng thế giới được dự báo sẽ khó tăng giá, thậm chí điều chỉnh giảm.