Kết năm Quý Mão ở mức 78,92 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng trong nước ghi nhận một năm Quý Mão đầy biến động với giá vàng miếng SJC lập kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12/2023. Chênh lệch giá vàng trong nước so với giá quốc tế quy đổi có lúc lên tới hơn 20 triệu đồng/lượng.
Trong nước, hầu hết doanh nghiệp buôn vàng lớn tại Hà Nội và TP.HCM đóng cửa nghỉ từ ngày 8/2 (tức 29 Tết). Tại một số địa phương, một số cửa hàng nhỏ lẻ mở tới 30 Tết.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC trong phiên cuối cùng năm Quý Mão - ngày 7/2 (28 Tết) ở mức 78,92 triệu đồng/lượng (bán ra) và 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào). Như vậy, trong năm Quý Mão, giá vàng miếng đã tăng khoảng 10,6 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 15,5%.
Đây là một mức tăng khá cao nếu so với lãi suất huy động của các ngân hàng phổ biến ở mức 3-6%/năm trong phần lớn thời gian năm 2023.
Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh và lập kỷ lục lịch sử trong phiên cuối cùng năm Quý Mão, đạt 66 triệu đồng/lượng (ngày 28 Tết). Sức cầu đối với mặt hàng vàng nhẫn và trang sức thường tăng ở thời điểm giáp và sau Tết.
Các doanh nghiệp như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Nhuận,... dự kiến mở cửa giao dịch lại từ 14/2 (tức mùng 6 Tết) và vàng trang sức được dự báo sẽ tăng mạnh trong tuần lễ Thần Tài năm mới. Các năm trước, giá vàng Thần Tài thường tăng thêm vài triệu đồng mỗi lượng so với trước Tết.
Trong thời gian nghỉ lễ, một số doanh nghiệp duy trì kênh bán vàng online. Khách mua - bán vàng vật chất trực tuyến và được giao hàng sau kỳ nghỉ Tết.
Có thể thấy, thị trường vàng năm Quý Mão biến động mạnh từ giữa tháng 11 âm lịch (đầu tháng 12 dương lịch). Giá vàng miếng SJC trong nước tăng phi mã, vượt đà tăng khá mạnh trên thị trường quốc tế dù sức cầu trong nước không quá cao. Giá tăng chủ yếu do nguồn cung vàng miếng SJC thấp và các doanh nghiệp duy trì chênh lệch mua-bán ở mức lớn.
Trên thực tế, thị trường vàng trong nước năm 2023 không xuất hiện các đợt sốt nóng như trong quá khứ. Không có tình trạng xếp hàng mua vàng, thay vào đó, thậm chí nhiều người đem vàng đi bán.
So với cuối năm trước, mức lãi hơn 10 triệu đồng/lượng không phải lớn. Nhưng nhiều người mua vàng từ các năm trước đó có lãi cao hơn.
Về triển vọng giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức trong năm Giáp Thìn 2024 vẫn chưa rõ ràng. Nó phụ thuộc vào biến động giá vàng thế giới, cũng như các chính sách quản lý thị trường vàng trong nước.
Giá vàng SJC có thể nhanh chóng lập đỉnh mới nếu vàng thế giới tăng mạnh như dự báo. Nhưng vàng SJC cũng khó vượt được mức 80,3 triệu đồng/lượng nếu nguồn cung vàng miếng thương hiệu độc quyền quốc gia này gia tăng. Mức chênh hơn 18 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là một áp lực đối với vàng SJC. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sớm có biện pháp ổn định thị trường vàng.
Vàng thế giới dự báo lập đỉnh, giá SJC sẽ lên 90 triệu đồng/lượng?
Mặc dù vậy, ngay trong tuần ra Tết khi thị trường vào tuần lễ Thần Tài, giá vàng nhẫn và trang sức có thể tăng mạnh và lập kỷ lục mới, sau khi đã xác lập đỉnh cao 66 triệu đồng/lượng trong ngày 30 Tết. Giá vàng miếng SJC cũng có thể tăng theo.
Trên thế giới, vào lúc 17h30 chiều 9/2 (chiều 30 Tết), giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.033 USD/ounce, quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 60,8 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới khoảng 18,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng cao hơn giá vàng thế giới 5,2 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, có rất nhiều dự báo cho rằng, vàng có nhiều dư địa để bứt phá trong năm 2024.
Sức mạnh của đồng USD trong năm 2023 đã gây áp lực giảm giá rất mạnh lên mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn bứt phá và đứng vững trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tính chung cả năm, vàng vẫn tăng hơn 12%.
Năm 2024, tình hình có thể sẽ khác. Đa số các yếu tố hỗ trợ cho vàng, từ một đồng USD khó tránh khỏi xu hướng sụt giảm do Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, cho tới những bất ổn địa chính trị và sự kém hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể có 3 lần giảm lãi suất (mỗi lần 25 điểm cơ bản) từ đỉnh cao trong 23 năm qua, ở mức 5,25-5,5%/năm như hiện tại.
Trong năm 2024, bất ổn địa chính trị nhiều nơi trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm. Tình hình Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt. Tại Trung Đông, căng thẳng vẫn leo thang sau xung đột giữa Israel và Hamas. Việc lực lượng Houti tại Yemen tiếp tục trả đũa Mỹ và Anh bằng cách tấn công vào nhiều tàu thuyền đi qua khu vực Biển Đỏ cũng khiến thế giới thêm bất ổn.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong 2023 và năm trước đó, ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Trung Quốc, đã mua vàng với lượng cao kỷ lục. Trung Quốc tiếp tục mua ròng vàng trong tháng 1/2024. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp Ngân hàng trung ương Trung Quốc gia tăng dự trữ vàng, đưa tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.245 tấn.
Tại nhiều nước châu Á, nhiều người tìm đến vàng như một kênh trú bão. Người dân Trung Quốc gần đây tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu và bất động sản.
Theo Kitco, các nhà giao dịch và nhà đầu tư vàng đang theo dõi chặt chẽ hoạt động mua vàng của người tiêu dùng ở Trung Quốc khi thị trường kim loại quý lớn nhất thế giới đón Tết Nguyên đán.
Với xu hướng Fed và các nước nới lỏng tiền tệ từ giữa năm 2024, giá vàng được dự báo sẽ tăng cao vào cuối năm 2024, thậm chí sang đến 2025.
Gần đây, Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce (tương đương 72 triệu đồng/lượng) trong năm 2024. Còn Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm 2.300 USD/ounce. Nếu mức chênh được giữ ở mức 18 triệu đồng/lượng như hiện tại, giá vàng miếng có thể lên 90 triệu đồng/lượng.