Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng năm 2022 của WGC, nhu cầu mua vàng thỏi của các nhà đầu tư và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 tăng mạnh.
Nhu cầu vàng toàn cầu năm 2022 tăng 18% lên 4.741 tấn, gần bằng với kỷ lục của năm 2011. Đáng chú ý, riêng trong quý IV, lượng vàng giao dịch là 1.337 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu nắm giữ vàng của các quỹ ETF (giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng) lại giảm 110 tấn. Dòng tiền giao dịch của các quỹ tốt hơn đáng kể so với năm 2021.
Nhu cầu vàng thỏi và tiền xu tăng lên mức cao nhất 9 năm là 1.217 tấn, tăng 2% so với năm 2021.
Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng trong năm qua. Trong quý IV/2022, các ngân hàng trung ương mua 417 tấn vàng. Năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua 1.136 tấn vàng, mức cao nhất kể từ 1967.
Juan Carlos Artigas, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của WGC cho biết, vàng được các nhà đầu tư quan tâm. Nhu cầu vàng vật chất cao khiến giá vàng tăng lên mức 1.800 USD/ounce.
Artigas cho rằng, vàng là một có hiệu quả đầu tư tốt nhất trong năm ngoái. Mặc dù có một số trở ngại, nhưng vàng có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Từ đầu năm, các quỹ ETF quan tâm tới vàng nhiều hơn.
Đánh giá triển vọng, theo WGC, USD tiếp tục suy yếu, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, trái phiếu và cổ phiếu không còn hấp dẫn và rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là các yếu tố giúp cho vàng trở nên hấp dẫn.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.907 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.908,3 USD/ounce.
Thị trường vàng trong nước ngày 31/1, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào)- 67,7 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,72 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,2 triệu đồng/lượng.